Quản số lượng, chống thất thu
Cụ thể, theo đề xuất của Hiệp hội Taxi Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM, nền biển số là màu vàng, chữ và số màu đen đối với tất cả phương tiện kinh doanh vận tải. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi chuyển đổi biển số, các hiệp hội đề nghị cắt giảm thủ tục khi thay đổi biển số, chỉ đổi màu của biển số, vẫn giữ nguyên số cũ, miễn chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện đổi biển số. Trường hợp khi các phương tiện ngừng kinh doanh vận tải sẽ lại được chuyển đổi về biển nền trắng, chữ số màu đen...
Lý do được đưa ra là trong thời gian vừa qua, loại hình kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ hoạt động như taxi đang phát triển rất ồ ạt, số lượng phương tiện tăng nhanh, khó kiểm soát. Tuy nhiên, loại phương tiện này đang trong thời gian thí điểm, chưa có nhận diện rõ ràng nên vi phạm rất nhiều các quy định về trật tự an toàn giao thông như đi vào các tuyến phố cấm taxi và xe hợp đồng, hoạt động trái phép tại các sân bay, kinh doanh khi chưa được cấp phù hiệu... Tình trạng trên kéo theo rất nhiều hệ lụy như gia tăng ùn tắc giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với taxi truyền thống, thất thu ngân sách, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng khi điều tiết giao thông và xử lý vi phạm.
tin liên quan
Đề xuất đổi màu biển số xe kinh doanh vận tảiMỗi loại xe một đầu số?
Thực tế, việc quản lý xe bằng cách phân loại biển số đã được áp dụng tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Ví dụ Nhật Bản chia thành 4 loại ô tô tương ứng với 4 loại biển, trong đó biển nền màu xanh chữ trắng là các xe được phép chở thuê lấy tiền
(kinh doanh) có dung tích xi lanh lớn hơn 1.000 cc, dung tích xi lanh nhỏ hơn 999 cc mang biển nền đen chữ vàng. Còn lại là xe không kinh doanh. Hàn Quốc cũng phân loại xe taxi, xe buýt lớn chở khách bằng màu biển số. Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Xe khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết trước đây chúng ta cũng phân loại xe như vậy để quản lý. Nhưng để chặt chẽ hơn nữa, nên phân loại từng loại hình vận tải theo số riêng. Như ở TP.HCM đã quy định cụ thể xe tải mang biển số 52, xe khách mang biển 54, xe taxi số 55 và xe chuyên dụng số 53… Muốn làm được điều này, Bộ GTVT cần đưa ra quan điểm rõ ràng để xác định, nhận dạng từng loại hình xe vận tải. “Đặc biệt, cần chuyển công tác đăng ký, quản lý về Bộ GTVT, Bộ Công an chỉ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Tránh để tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, một đơn vị vừa cấp đăng ký vừa thanh, kiểm tra như hiện nay. Việc đổi màu biển số sẽ chỉ thật sự đạt hiệu quả nếu được kết hợp với công tác quản lý rõ ràng, cụ thể, nghiêm túc”, ông Tính đề xuất.
Đánh giá việc đổi màu biển số là một trong những biện pháp hiệu quả để quản lý phương tiện vận tải, tuy nhiên PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT, lưu ý cần cân nhắc tới một đối tượng lớn là những cá nhân đang và sẽ tham gia loại hình vận tải kết nối bằng công nghệ như Grab. Sẽ có hàng ngàn người phải đi làm lại biển số. Tuy nhiên, những cá nhân này chỉ sử dụng xe cho mục đích vận tải lúc rảnh rỗi, phương tiện không cố định như các loại hình vận tải khác nên bắt buộc cố định màu biển số sẽ khó khăn. “Có thể gắn biển xe hoạt động vận tải, khi nào sử dụng mục đích cá nhân thì tháo biển. Nhưng gắn thẻ hay đổi màu biển số mà không ai kiểm tra, xử phạt thì cũng chẳng khác nào thay bình mới và rượu vẫn cũ, không hiệu quả”, ông Hoàng lưu ý.
Đồng tình, chuyên gia giao thông Phạm Sanh nhấn mạnh: “Nếu không có cơ sở quản lý nhà nước, lực lượng thanh tra, kiểm tra không thực hiện giám sát, kiểm tra, xử phạt tới nơi tới chốn thì việc thay màu biển số chỉ là thay bình mới mà rượu cũ, bản chất không thay đổi”.
Bình luận (0)