Quản Trọng Hùng: Từ trung vệ tài ba đến lận đận trong sự nghiệp huấn luyện

27/04/2020 07:00 GMT+7

Nhắc đến thế hệ vàng của bóng đá quân đội trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới Quản Trọng Hùng - trung vệ thép một thời của đội bóng mặc áo lính cũng như của đội tuyển Việt Nam.

Bền bỉ, dẻo dai, xuất sắc đến tuổi 36

Quản Trọng Hùng sinh ra trong một gia đình thể thao. Bố của ông là Quản Trọng Hải, từng là tuyển thủ bóng chuyền cừ khôi của Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước. Ông Hải có 3 người con trai, tuy không nối nghiệp bóng chuyền nhưng đều là những cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Quản Trọng Hùng là con trai cả, thành danh trong vai trò trung vệ dập của Thể Công. Hai em trai của ông, người đầu tiên là Quản Trọng Bắc, tiền vệ tấn công của đội Phòng không - Không quân, còn người thứ hai là Quản Quốc Hương, tiền vệ xuất sắc của Công an Hà Nội - kỳ phùng địch thủ một thời của Thể Công.

Sinh năm 1956, Quản Trọng Hùng gia nhập Thể Công khá sớm khi mới 17 tuổi. Ban đầu, ông được thử nghiệm lần lượt ở các vị trí: trung phong, tiền vệ trụ, hậu vệ biên và cuối cùng “chốt” ở vị trí trung vệ như một định mệnh. Hồi tưởng lại quá khứ, ông Hùng bồi hồi khi nhắc lại trận đấu chính thức đầu tiên của mình trong màu áo Thể Công: “Đó là trận đấu với Thanh niên Đức vào năm 1976. Khi đó mình run lắm bởi lần đầu tiên được đá chính cho đội 1 Thể Công. Thế nhưng vào sân là quên hết, chỉ còn biết “chiến” hết mình thôi”. Có lẽ vì lối đá rất nhiệt bất kể đối thủ này nên Quản Trọng Hùng có biết danh là Hùng "chập".

Sở hữu nền tảng thể lực sung mãn, khả năng phán đoán tình huống tốt, lối chơi kỹ thuật, hiệu quả, Quản Trọng Hùng nhanh chóng trở thành “tấm lá chắn” tin cậy trước khung thành của Thể Công từ cuối thập niên 70 đến hết thập niên 80, thậm chí bước qua những năm đầu 90 ông vẫn còn thi đấu ở tuồi 36. Trong giai đoạn này, ông cùng với các đồng đội đã giành được 3 chức VĐQG (1981-1982, 1982-1983, 1990) và 3 ngôi á quân (1984, 1986, 1989). Đấy là chưa kể một số danh hiệu quốc tế khác mà tiêu biểu là tấm Huy chương Đồng giải SKDA 1989 (giải bóng đá các nước xã hội chủ nghĩa).

Quản Trọng Hùng (hàng ngồi bìa phải) cùng toàn đội CLB quân đội năm 1980-1981

Tư liệu

Quản Trọng Hùng (thứ 3 từ trái, hàng đứng) cùng CLB Quân đội vô địch A 1 toàn quốc 1983

Tư liệu

Quản Trọng Hùng , thứ 3 từ phải hàng đứng cùng CLB Quân đội vô địch quốc gia năm 1990

tư liệu

Năm 1991, khi đó dù đã 35 tuổi nhưng Quản Trọng Hùng vẫn được triệu tập vào đội tuyển quốc gia tham dự kỳ SEA Games đầu tiên kể từ khi Thể thao Việt Nam quay trở lại hội nhập với đấu trường khu vực. Cựu tiền vệ Từ Như Sơn (Công An Hà Nội) nhận xét “Không phải ngẫu nhiên mà anh Hùng được gọi khi đã ở tuổi 35 bởi anh ấy là một trung vệ có lối chơi kỹ thuật, chắc chắn và giàu thể lực bậc nhất của bóng đá Việt Nam mà thời điểm đó hiếm cầu thủ nào qua được anh về cả sức mạnh lẫn phong độ”. Còn cựu thủ môn Trần Văn Khánh (Thể Công) thì nhận xét một cách ngắn gọn: “Trên sân cỏ, tôi luôn luôn cảm thấy tin tưởng mỗi khi ở phía trước có Quản Trọng Hùng”.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp cầu thủ của Quản Trọng Hùng chính là cuộc so tài giữa Thể Công với Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất vào ngày 20.5.1979. “Đó là trận đấu rất được quan tâm bởi là trận đấu đầu tiên giữa hai đội bóng lừng danh của hai miền Nam Bắc sau ngày đất nước thống nhất.Trận này Thể Công thắng 2-1. Tôi được giao kèm Trần Văn Xinh, mũi tấn công rất mạnh của Cảng khi đó cùng với Tư Lê và Ngôn. Trừ lần duy nhất tôi để Xinh thoát bóng chuyền cho Mười ghi bàn, còn lại thì một cầu thủ mới 23 tuổi như tôi khi đó đã hoàn thành nhiệm vụ trước một chân sút dạn dày kinh nghiệm”. Cho đến tận bây giờ sau hơn 40 năm, ông Hùng vẫn đầy xúc động khi nói về trận đấu đó.

Quản Trọng Hùng, gừng càng già càng cay

Một kỷ niệm khác mà ông Hùng không quên đó là trận chung kết Cúp quốc gia năm 1992 trên sân Thống Nhất giữa CLB Quân đội và Cảng Sài Gòn. Khi đó ông được đẩy lên đá tiền đạo và chính ông ở tuổi 36 đã làm chao đảo khuôn thành Cảng và ghi bàn gỡ hòa trước khi thúc thủ 4/5 ở loạt sút 11m. Ông Hùng kể lại “ Tôi đá trung phong dĩ nhiên là không thể sánh bằng Hồng Sơn hay Sỹ Long, nhưng khi đó lực lượng mỏng và đang trẻ hóa nên tôi phải tăng cường. Nào ngờ tôi vẫn đủ khiến hàng thủ Cảng Sài Gòn phải chật vật.

May mắn của tôi là trụ lại lâu nhất trong lứa thập niên 70 ở Thể Công và may mắn khác là được chơi cùng thời với những bậc đàn anh, đồng đội vô cùng tài năng trước đó như Thế Anh, Cao Cường, Trần Văn Khánh, Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Văn Nhật..nên học hỏi được rất nhiều nên dù ở tuổi 36 tôi vẫn còn chiến đấu rất hăng”

Truân chuyên nghiệp huấn luyện

Sự nghiệp huấn luyện của Quản Trọng Hùng khởi đầu rất ấn tượng khi ông dẫn dắt U.21 Thể Công giành chức vô địch giải U.21 báo Thanh Niên 1997, 1998 rồi đưa đội bóng Quân đội đoạt ngôi vô địch giải bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc lần IV. Sau đó ông còn được giao dẫn dắt đội tuyển Olympic Việt Nam cùng với Đoàn Phùng. Những tưởng mọi chuyện sẽ trải hoa hồng trước mắt ông, thế nhưng đời không như là mơ khi ông Hùng lại không gặt hái được thành công khi được trao trọng trách dẫn dắt đội 1 Thể Công thi đấu ở V-League.

Huấn luyện viên Quản Trọng Hùng đưa cao Cúp và cờ vô địch cùng U.21 Thể Công sau khi nhận từ tay cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Nguyễn Nhân

Chính bản thân Quản Trọng Hùng cũng từng thừa nhận “Tôi được giao dẫn dắt Thể Công từ vòng đấu thứ 13 mùa giải 1999-2000, nhưng khi ấy đội đang sa sút tâm lý và có vài bất ổn. Tôi đã cùng BHL làm đủ cách, xoay đủ kiểu nhưng đội bóng quân đội thi đấu thất thường, thành tích nghèo nàn. Bản thân tôi cũng phải nhận nhiều “gạch đá” từ phía những người hâm mộ. Buồn lắm chứ nhưng tôi rất yêu nghề, yêu đội bóng nên nhận trách nhiệm và quyết làm lại”

Mùa giải 2000-2001, trước vòng 13, Thể Công của Quản Trọng Hùng lại liên tiếp thất bại trước Nam Định, SLNA, Thừa Thiên Huế một cách không thể nào lý giải nổi. Phải chờ đến sau vòng 13, đội bóng mặc áo lính mới dần dần hồi phục lại phong độ. Tình trạng tương tự tiếp tục lặp lại với thầy trò HLV Quản Trọng Hùng ở V-League 2001-2002. Với 13 điểm sau 10 vòng đấu, Thể Công bắt đầu sa sút một cách khó hiểu: để SLNA cầm hòa, bị  Huế rồi Cảng Sài Gòn đánh bại và tụt xuống cuối bảng xếp hạng. Vượt qua được “khúc cua” đó, đội của ông Quản Trọng Hùng mới có thể tìm lại được chính mình kể từ sau khi vượt qua được Công An Hà Nội ở vòng 14.

Ông Hùng chua chát nói “Tôi kỵ số 13. Những lần cầm quân hể cứ rơi vào vòng 13, điểm số 13 là y như rằng tôi như gặp vận rủi, làm kiểu gì cũng không ngóc lên được. Phải khi vượt qua con số đó thì mọi chuyện mới sáng sủa lại một chút”. Thế nhưng ông Hùng không ngờ chính thành tích của đội bóng đi xuống (từ thứ 3 ở V-League 2000-2001 xuống thứ 7 ở V-League 2001-2002), rồi những nghi án cứ lập lờ phía sau chiếc ghế HLV trưởng nên bước sang mùa giải 2003 ông bị “truất phế”.

Ông Quản Trọng Hùng (bìa phải) cùng các đàn anh và đồng đội một thời

NVCC

Khi đó Thể Công quyết định đưa HLV ngoại Radovic về làm “thuyền trưởng” của đội bóng mặc áo lính. Còn ông Hùng được chuyển sang làm Phó giám đốc phụ trách chuyên môn. Tuy nhiên trong cuộc họp tổng kết mùa giải 2003 của CLB Thể Công dưới sự chủ trì của Cục quân huấn - Bộ quốc phòng, đại đa số đại biểu tham dự đã nhất trí kiểm điểm ông Quản Trọng Hùng với lý do là trong suốt mùa giải, ông Hùng đã can thiệp quá sâu vào vấn đề chuyên môn của CLB, mà lẽ ra thuộc phạm vi trách nhiệm của HLV trưởng Radovic.

Ông Hùng nói "Đó là thời điểm buồn của tôi. Tôi biết nói gì ra lúc đó cũng vô ích khi nhiều cặp mắt đều xét nét về thành tích, lối chơi của đội bóng. HLV ngoại họ có những cái hay mà chúng ta phải học hỏi, nhưng để họ hiểu được mọi ngóc ngách của bóng đá Việt Nam thì vai trò của những cộng sự người Việt là vô cùng quan trọng. Bài học bây giờ cũng vậy thôi.."

Quản Trọng Hùng (thứ 2 từ trái) trong đội Lão tướng Quân đội

Một trang sử dài lẫy lừng có, truân chuyên cũng nhiều của Quản Trọng Hùng khép lại vào năm 2011 sau khi ông từ bỏ công việc của một Phó Giám đốc kỹ thuật của Thể Công để “lui về ở ẩn”. Sau tròn 35 năm phục vụ bóng đá (1976-2011), giờ đây ở độ tuổi ngoài 60, ông Hùng đã có thể tìm thấy cuộc sống bình yên không bóng đá.

Chia sẻ về cuộc sống hiện nay, ông Hùng cho biết: “Từ ngày nghỉ đến giờ, tôi sống cùng với gia đình và các cháu chắt bên nội bên ngoại và hài lòng với cuộc sống hiện tại. Niềm vui của tôi bây giờ là 1 tuần 2 buổi được sinh hoạt với đội lão tướng quân đội, thỉnh thoảng đi các tỉnh thi đấu giao lưu với đội bóng lão tướng các nơi, vừa để tăng cường sức khỏe, vừa để gặp gỡ anh em bạn bè cũ, ôn lại những kỷ niệm xưa.

Bóng đá đã ngấm vào máu rồi nên có những cái tôi không thể nào quên. Cả đời mình tôi gắn bó với Thể Công nên dù ai nói gì thì tôi vẫn tự hào khi giành được nhiều thành tích, được làm việc, gắn bó và cống hiến hết mình với môi trường luôn rèn luyện bản lĩnh, ý chí, hun đúc niềm tin và thể hiện tinh thần mạnh mẽ này”.

Ông Quản Trọng Hùng hạnh phúc cùng gia đình

NVCC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.