Tấm gương của thể thao Hàn Quốc
Tại Diễn đàn kinh tế thể thao 2024 được tổ chức ngày 17.10, một trong những chủ đề chính được bàn luận là sự liên hệ giữa kinh tế, thể thao và tác động của chúng với địa phương, nơi đăng cai và tổ chức các sự kiện thể thao lớn.
Mang theo kinh nghiệm tổ chức Olympic 1988 và World Cup 2002, ông Oh Yeong-woo, Nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT Hàn Quốc cho biết các sự kiện thể thao lớn như Olympic, World Cup hay ASIAD rất quan trọng với sự phát triển của quốc gia này.
"Ngoài hiệu quả kinh thế, các sự kiện thể thao còn đóng vai trò hữu hình và vô hình rất quan trọng để quốc gia phát triển, như giúp nâng cao thương hiệu quốc gia, tác động tích cực về kinh tế, làm tăng giá trị thương hiệu quốc gia và tạo ra nhiều hiệu ứng đa dạng.
Đặc biệt hơn, các sự kiện thể thao này có hiệu quả trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, thúc đẩy hội nhập và nâng cao giá niềm tự hào dân tộc", ông Oh Yeong-woo chia sẻ tại diễn đàn.
Xác định tầm quan trọng của các sự kiện này, Hàn Quốc đã chớp thời cơ đăng cai, sau đó quyết tâm tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn như Olympic Seoul 1988, World Cup 2002 (đồng đăng cai với Nhật Bản), ASIAD 2014 hay gần đây hơn là Olympic mùa Đông 2018, Giải vô địch bơi lội thế giới 2019...
Olympic 1988 không chỉ mang rất nhiều hiệu quả về kinh tế mà còn về văn hóa cho việc phát triển thành phố Seoul, trước Olympic 1988 dân số thành phố chỉ rơi vào khoảng 8,6 triệu người nhưng chỉ ngay sau sự kiện con số này tăng lên 10,5 triệu người, biến Seoul trở thành một đại đô thị.
Sau thành công vang dội của Olympic 1988, Hàn Quốc hiểu rằng những sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới mang đến hiệu quả lớn như thế nào, đó cũng là lý do để họ quyết tâm đăng cai thành công sự kiện hàng đầu làng túc cầu thế giới World Cup 2002.
Lễ hội bóng đá năm ấy mang về cho Hàn Quốc 6,6 tỉ USD, trong đó du lịch và tiêu dùng hưởng lợi nhất khi đạt hơn 3 tỉ USD, trong đó 1,5 tỉ USD tới từ phát triển cơ sở hạ tầng, cùng 1,5 tỉ USD tới từ giá trị thương hiệu và cải thiện hình ảnh quốc gia.
Nên nhớ rằng con số 6,6 tỉ USD này là của hơn 20 năm trước, nếu tính ở thời điểm hiện tại có giá trị xấp xỉ 35 tỉ USD.
Nguồn lợi về mặt kinh tế, vị thế chính trị, thu hút dòng đầu tư khi tổ chức các giải thể thao đã thôi thúc các quốc gia cạnh tranh đăng cai những sân chơi lớn. Gần đây nhất, Qatar đã gây tiếng vang khi tổ chức thành công World Cup 2022. Cũng tại Tây Á, Ả Rập Xê Út đang chạy đua đăng cai World Cup 2028, với hy vọng nâng tầm hình ảnh quốc gia.
Thể thao Việt Nam học được gì?
Liên hệ với Việt Nam, nước ta đã tổ chức hai sự kiện lớn mang tầm khu vực là SEA Games 22 (năm 2003) và gần đây hơn là SEA Games 31 (năm 2022).
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội chia sẻ: "Sức ảnh hưởng của nó không chỉ trong ngành thể thao mà cả người dân Việt Nam đều rất tự hào vì chúng ta tổ chức được sự kiện này. Mọi lĩnh vực, ngành nghề đều nhận được tác động tích cực của sự kiện này.
Thực ra sau 2 kỳ SEA Games, chúng ta có thể thấy trình độ tổ chức các sự kiện thể thao, quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam ra quốc tế".
Việt Nam đang là điểm đến của nhiều sự kiện thể thao lớn. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã phối hợp với các địa phương đăng cai vòng loại U.17, U.20 và U.23 châu Á chỉ trong vòng 1 năm. Hay ở môn billiard, giải đấu Hanoi Open quy tụ nhiều tay cơ giỏi và sân chơi này phủ sóng rộng rãi trong cộng đồng người hâm mộ billiard toàn cầu.
Tuy nhiên, việc tổ chức sự kiện thể thao vẫn cần được tạo điều kiện, cơ chế đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư.
"Để thu hút các nhà đầu tư, các dự án liên quan đến thể thao sẽ được miễn thuế đất và mặt nước trong 10 năm, sau đó được giảm 50% trong những năm tiếp theo.
Điều thứ hai, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng ở mức 5% nhưng sẽ được miễn toàn bộ khoản thuế 5% đó trong 4 năm đầu tiên, 9 năm sau đó sẽ áp dụng mức 50%. Từ những điều này, tôi mong rằng nó có thể áp dụng tổng thể ra toàn quốc", ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.
Bình luận (0)