Quảng Nam làm gì để cán bộ không lo 'thất nghiệp' sau sáp nhập các địa phương?

Mạnh Cường
Mạnh Cường
15/03/2024 11:00 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, sau khi sáp nhập các địa phương của tỉnh, việc sử dụng cán bộ dôi dư sẽ có lộ trình khoa học, bài bản phù hợp với năng lực trong quá trình đóng góp của cán bộ đó.

Ngày mai 16.3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lễ khai mạc Năm quốc gia phục hồi đa dạng sinh học - Quảng Nam 2024.

Sử dụng cán bộ dôi dư có lộ trình khoa học

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng vừa phê duyệt, sẽ sáp nhập TP.Tam Kỳ và H.Núi Thành để hướng đến đô thị loại 1, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của miền Trung, phù hợp với định hướng phát triển chuỗi đô thị ven biển của Chính phủ.

Theo ông Thanh, quá trình nghiên cứu, địa phương đánh giá việc sáp nhập là cần thiết. Khi Tam Kỳ và Núi Thành sáp nhập sẽ bổ sung nguồn lực, cơ hội cho nhau để cùng xây dựng một đơn vị hành chính thống nhất. Điều này vừa giúp tiết kiệm nguồn lực nhưng cũng phát huy được khả năng mà Tam Kỳ và Núi Thành đang có, nhất là cơ sở hạ tầng, giao thông đầu mối quan trọng như sân bay, cảng biển và các trung tâm kinh tế khác như công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Quảng Nam làm gì để cán bộ không lo 'thất nghiệp' sau sáp nhập các địa phương?- Ảnh 1.

Theo đề án quy hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ sáp nhập H.Núi Thành với TP.Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại 1

MẠNH CƯỜNG

Việc sáp nhập cấp xã, huyện là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được làm trong toàn quốc, không riêng gì Quảng Nam. Tỉnh đã lên kế hoạch để sắp xếp lại, tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng thời giải quyết các chế độ chính sách phù hợp đối với những người nghỉ việc.

"Trong công tác điều động, bố trí, sắp xếp trong bộ máy tỉnh Quảng Nam nói chung, việc sử dụng cán bộ dôi dư sẽ có lộ trình khoa học, bài bản phù hợp với năng lực trong quá trình đóng góp của cán bộ đó. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ học tập kinh nghiệm của các địa phương bạn trong quá trình bố trí lại cán bộ sao cho phù hợp nhất, để cán bộ yên tâm phát triển, công tác", ông Thanh nói.

Không đánh đổi môi trường sinh thái để phát triển kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam giai đoạn hiện nay, nhất là trong giai đoạn năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể. Trong đó, xây dựng rất rõ về lộ trình, mục tiêu, nguồn lực và ưu tiên tập trung những ngành công nghiệp nào, thu hút những dự án đầu tư nào trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Riêng từ sau năm 2030 đến năm 2050 sẽ vừa làm vừa cân nhắc, vừa suy nghĩ vì hiện nay thế giới đang biến động rất nhanh, có những yếu tố rất khó lường.

Quảng Nam làm gì để cán bộ không lo 'thất nghiệp' sau sáp nhập các địa phương?- Ảnh 2.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trao đổi các thông tin xung quanh việc công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

MẠNH CƯỜNG

Đồ án quy hoạch tỉnh cũng tính toán phương án tổ chức, phát triển hệ thống các đô thị xanh, sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường tự nhiên; gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị với thúc đẩy liên kết phát triển vùng.

Người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, đồ án quy hoạch đã mở ra cơ hội rất lớn cho tỉnh. Bởi nhiều lĩnh vực, ngành trong quy hoạch không chỉ phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam mà còn phục vụ cho sự phát triển của vùng và quốc gia.

"Việc ban hành Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của tỉnh Quảng Nam, nhưng cũng có ý nghĩa đối với sự phát triển của cả vùng và cả nước", ông Thanh nhấn mạnh.

Cách đây 15 năm, tỉnh Quảng Nam đã xác định con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Quá trình phát triển, phải hết sức lưu ý đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ các giá trị văn hóa bản địa; trên nguyên tắc phát triển kinh tế đem lại nguồn thu cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhưng phải giữ được môi trường sinh thái, phục hồi và phát triển được tính đa dạng sinh học.

"Tỉnh Quảng Nam sẽ không đánh đổi môi trường sinh thái để phát triển kinh tế", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định.

Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc "2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển".

Cụ thể, vùng đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Trong đó, Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học và đổi mới sáng tạo.

Vùng tây gồm các huyện miền núi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới…

Tỉnh Quảng Nam sẽ sáp nhập H.Núi Thành với TP.Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại 1.

Năm 2030, Quảng Nam đặt mục tiêu thu hút hơn 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa. Tỉnh được định hướng là trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm…

Đáng chú ý, Quảng Nam phấn đấu năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.