Ngày 25.9, cơ quan chức năng đã tổ chức di dời cây đa hơn 200 năm tuổi về trồng tại núi Thiên Bút thuộc P.Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
|
Cây đa này nặng 120 tấn, đường kính 5,7 mét, chiều dài khoảng 10 mét nên công tác di dời gặp khó khăn. Vì vậy, từ khi cây đa ngã đổ đã gây ách tắc giao thông 5 ngày, đến nay mới tổ chức đi dời được.
|
Ông Lê Thế Tào, Giám đốc Công ty T-T-T (Quảng Ngãi), đơn vị tham gia di dời cây đa cho biết, việc di dời gặp khó khăn còn do mặt bằng hẹp, không đủ chỗ cho 2-3 xe cẩu cùng thực hiện cẩu 1 lần để đưa cây lên xe tải.
"Phương án ban đầu, công ty đưa loại cẩu 350 tấn để làm nhưng xe cẩu này đang thi công. Vì vậy phải điều 3 xe cẩu, một xe ở trước ngọn cây, 2 xe còn lại nhấc cây đa lên rồi từ từ hạ xuống đưa lên xe”, ông Tào nói.
|
Bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 11 giờ cùng ngày mới đưa được cây đa lên xe và bắt đầu di chuyển. Việc di dời cây đa về trồng lại trên núi Thiên Bút, khiến người dân địa phương tò mò đến xem. Ngoài ra, còn có giới chuyên môn và các nhà sinh vật cảnh cũng đến quan sát việc di dời. Hầu như ai cũng tiếc nuối cây đa hơn 200 năm tuổi này, bởi nó gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất nơi đây.
|
Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 21.9, cây đa trên đường Nguyễn Văn Linh, P.Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi đã bất ngờ bật gốc ngã đổ chắn ngang đường, đè chết một người đi đường và làm hư hỏng khoảng 10 ngôi nhà của người dân
Ông Trần Bảo Phát, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cây đa này đã ngoài 200 tuổi, đủ tiêu chuẩn để đề nghị là cây di sản. Khi làm hồ sơ thì nó bị ngã đổ nên phải tìm mọi cách cứu sống nó. Thông thường, cây đa dễ sống nhưng cây đa này đã nhiều tuổi, bộ rễ chính của nó bị thoái hóa hết.
"Bây giờ bộ rễ chính rất yếu, còn rễ phụ thì chưa bung tới đất được nên kỹ thuật trồng lại phải thật tốt, nếu không tỷ lệ sống không phải cao. Tuy nhiên Hội quyết tâm tìm mọi cách để cây sống theo nguyện vọng của dân”, ông Phát chia sẻ.
|
Từ khi cây đưa lên xe, phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ mới đưa được cây đa hơn 200 năm tuổi đến núi Thiên Bút. Tại đây, theo phong tục địa phương, những bậc lão niên tổ chức thắp hương bái vọng trước khi đưa cây đa trồng lại. Đến tối 25.9, cây đa vẫn còn để trên xe, đến sáng 26.9 mới đưa đi trồng lại.
Bình luận (0)