Quảng Ninh giúp dân tiêu thụ na Đông Triều bằng cách nào?

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
18/08/2021 08:34 GMT+7

Nhờ áp dụng các kênh thương mại điện tử , hàng trăm tấn na Đông Triều đã đến tay người tiêu dùng , dù đại dịch Covid-19 đang khiến việc tiêu thụ, vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn.

Những ngày này, bà con nông dân TX.Đông Triều (Quảng Ninh) đang vào mùa thu hoạch na. Đây là một trong những nông sản của Quảng Ninh được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số địa bàn tiêu thụ chính như Hà Nội, Hải Dương bị giãn cách, phong tỏa, khiến việc tiêu thụ na gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, loại quả này chín theo thời điểm, lại khó bảo quản, nên thời gian từ lúc cắt na đưa đến tay người sử dụng chỉ được từ 1 - 2 ngày. Nếu không kịp vận chuyển, tiêu thụ, na sẽ hư hỏng, nhất là trong những ngày nắng nóng.
Đang thu hoạch trong vườn nhà, ông Nguyễn Văn Được (67 tuổi, thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TX.Đông Triều, Quảng Ninh) cho hay, gia đình ông đang trồng hơn 1 ha na dai, đăng ký thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương (OCOP) và đạt tiêu chuẩn VietGap. Những năm gần đây, sau mỗi vụ na, trừ các chi phí, ông Được thu về hơn 200 triệu đồng. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại một số tỉnh, thành, gia đình ông Được cũng như nhiều hộ trồng nha ở Đông Triều đứng ngồi không yên, lo na không xuất bán được.
Bà Nguyễn Thị Liên (48 tuổi, xã Bình Khê, TX.Đông Triều) cũng cho biết, việc đi lại qua các tỉnh, thành thời gian gần đây phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày, khiến các lái xe mất thời gian hơn để về Quảng Ninh cất hàng hoặc tăng thêm chi phí vận tải, chưa kể một số bạn hàng đang vùng có dịch, giãn cách, không thể về Đông Triều mua hàng như trước.
“Năm nay na dai Đông Triều được mùa, trên từng quả na được rửa sạch, dán tem QR, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Na Đông Triều dịp này không lo về chất lượng mà chỉ ngại đầu ra do dịch bệnh đang phức tạp”, bà Liên nói.

Đưa na lên sàn giao dịch

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TX.Đông Triều đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên áp dụng thương mại điện tử và tạo "luồng xanh" để lưu thông hàng hóa.
Thống kê của Phòng Kinh tế TX.Đông Triều cho thấy, từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, sản lượng na đầu mùa của thị xã đã tiêu thụ lên tới gần 4.000 tấn (hơn 50% tổng sản lượng). Đáng chú ý, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, vụ na năm nay, TX.Đông Triều đã xây dựng các kênh thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, na dai Đông Triều được đưa lên các trang bán hàng online được các cơ quan chức năng bảo hộ hợp pháp như Lazada, Sendo, Cuccu, DongTrieu Mart…
Nhờ vậy, từ đầu tháng 7 đến nay, đã có hơn 400 tấn na được bán qua kênh thương mại điện tử đến tay người tiêu dùng trong tổng số 4.000 tấn na đã tiêu thụ. Các kênh thương mại điện tử đang bán 2 sản phẩm na dai Đông Triều với giá 20.000 và 40.000 đồng/kg tùy loại. Trên từng quả na đều có tem dán thương hiệu nông sản địa phương OCOP, bao bì đều có mã QR, mã vạch để khách hàng truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Xuân Long, Giám đốc HTX Na dai Đông Triều, cho biết lâu nay người nông dân vẫn khoán trắng việc tiêu thụ cho các thương lái, bạn hàng truyền thống. Dịch bệnh Covid-19 đã làm mọi người thay đổi nhận thức kinh doanh và tư duy phân phối.
“Mỗi người nông dân thay vì bán trực tiếp nay đã dùng Facebook, Zalo để bán hàng, và qua các kênh thương mại điện tử khác. Thậm chí, có hộ còn livestream cả quả na trong vườn, từ khâu thu hoạch đến khâu vệ sinh, đóng gói, bóc vỏ để khách hàng xem và thấy sản phẩm tươi ngon như thế nào. Nhờ đó tránh được tình trạng bị ép giá, mất giá như trước”, ông Long nói.
Bên cạnh việc mở rộng kênh phân phối, TX.Đông Triều cũng đã chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ phù hợp với thực tế, theo cấp độ của tình hình dịch bệnh. Ngay từ đầu tháng 7, địa phương này đã phân "luồng xanh" để tạo điều kiện cho tiểu thương đến thu mua na.
Cụ thể, TX.Đông Triều đã thống kê, lập danh sách 241 đầu mối thương lái, lái xe tham gia hoạt động tiêu thụ sản phẩm na với đầy đủ các thông tin cá nhân, biển kiểm soát phương tiện, thị trường tiêu thụ, tuyến đường vận chuyển, mức tiêu thụ bình quân trong ngày; bố trí điểm lấy mẫu xét nghiệm tập trung (có trả phí) tại trạm y tế xã cho các đầu mối, thương lái, lái xe, phụ xe, người trực tiếp tham gia hoạt động tiêu thụ. Với kênh tiêu thụ truyền thống này, đã có hơn 3.000 tấn na được tiêu thụ (chiếm 90% sản lượng toàn thị xã).
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TX.Đông Triều, cho biết dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ là đợt na chính vụ, người dân sẽ thu hoạch số lượng lớn. Để tạo điều kiện cho tiểu thương và các hộ nông dân, địa phương đã cấp gần 200 phù hiệu “Xe chở hàng na dai Đông Triều”, giúp các lái xe có luồng riêng khi qua các chốt kiểm soát, tránh bị ùn tắc.
“Hiện nay, TX.Đông Triều vẫn kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị chung tay mở rộng thị trường tiêu thụ na tới các địa phương khác, thay vì bán phá giá để giải cứu. Bởi kêu gọi giải cứu na thì chỉ có tiểu thương, khách hàng được hưởng lợi vì mua được sản phẩm ngon, rẻ; trong khi người nông dân lại chỉ bán được với giá bèo”, ông Thắng nói.
Theo UBND TX.Đông Triều, vụ na 2021, địa phương này có 1.550 hộ trồng, với trên 800 ha (chủ yếu là na dai), tập trung tại các xã Việt Dân, Bình Khê, Tân Việt, An Sinh. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến tháng 8, còn na gối vụ thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Dự kiến vụ na năm nay, toàn TX.Đông Triều thu hoạch khoảng 6.500 tấn, với doanh thu khoảng 200 tỉ đồng.

Vì Covid-19, nông dân Đắk Nông không bán được bí đao: lấy tiền đâu để con nhập học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.