LỊCH HỌC KÍN MÍT
Tại Hà Nội, kỳ thi chỉ tuyển chưa đầy 56% chỉ tiêu vào trường THPT công lập nên hết sức căng thẳng. M.A, học sinh (HS) Trường THCS Kim Giang (Q.Thanh Xuân), đã đăng ký 3 nguyện vọng (NV) vào lớp 10 THPT công lập với mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp, trong đó NV cuối cùng là một trường THPT ở huyện ngoại thành, vốn có mức điểm chuẩn rất thấp các năm trước. M.A chia sẻ bố mẹ em đều có thu nhập thấp nên không có điều kiện cho con học trường tư với mức học phí cao. Vì vậy, em xác định "phải đỗ bằng được vào trường công lập, dù phải đi học xa nhà". Cũng chính vì áp lực đó nên M.A dồn sức ôn thi, đặc biệt trong những tuần "nước rút" cuối cùng trước kỳ thi, M.A dành tối đa thời gian có thể cho việc ôn luyện.
Thời gian này, nhà trường cũng đã kết thúc thi học kỳ cuối cùng ở cấp THCS nên dành thời khóa biểu chỉ để dạy cho HS khối 9 ba môn thi văn, toán, tiếng Anh. Trong tuần, M.A có 2 buổi sáng đến lớp học văn, 2 buổi sáng học Anh và 2 buổi học toán. Buổi chiều và tối hầu như tất cả các ngày, M.A luyện thi cấp tốc môn văn và toán một số buổi, còn lại chủ yếu tự làm đi làm lại các dạng đề của năm trước.
M.N, HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.Hoàn Kiếm), thì cho biết mơ ước số 1 của em là vào được lớp 10 Trường THPT Việt Đức, một trong những trường có điểm chuẩn top đầu của Hà Nội. M.N đăng ký học thêm những thầy cô mà em được mách là tốt nhất để đạt được mơ ước của mình. Do vậy, lịch học của em kín mít mỗi ngày 3 ca, chưa kể đêm về lại làm bài đến khoảng 1 giờ sáng mới đi ngủ. "Mỗi ngày em chỉ ngủ khoảng 5 tiếng là cùng, suốt từ đầu năm lớp 9 đến giờ em không có khái niệm ngày nghỉ, ngày lễ nhưng em sẽ vượt qua, miễn là vào được trường yêu thích của mình", M.N nói.
Hà Nội quyết định thi 3 môn toán, văn, tiếng Anh để tuyển vào lớp 10 nhưng vì toán, văn là 2 môn tính điểm hệ số 2 trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội nên nhiều HS dành phần lớn thời gian để ôn luyện 2 môn này. Hết thời gian học trên lớp, học thêm thì đến đêm các em lại quay cuồng làm bài tập giáo viên (GV) giao cả ở trên lớp lẫn lớp học thêm, tự làm theo các dạng đề của năm trước…Đề thi của 2 môn này vốn có sự phân hóa rất cao nên để đạt điểm vào trường top đầu là một thách thức không nhỏ.
BỐ MẸ "CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN"
Năm nay là năm thứ 3 Hà Nội áp dụng quy định không cho HS đổi NV sau khi đã biết "tỷ lệ chọi" của từng trường như đã áp dụng nhiều năm trước. Điều này càng tăng thêm áp lực cho HS và phụ huynh từ khâu quyết định lựa chọn NV đến quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi này.
Có con dự thi vào lớp 10 năm nay, chị Minh Huê (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Cả gia đình "đứng, ngồi" không yên vì năm nay số HS dự thi tăng trong khi tỷ lệ TP phân cho HS vào trường THPT công lập lại giảm (năm trước khoảng 62% thì năm nay là hơn 55%) nên từ HS đến gia đình và các thầy cô dạy lớp 9 đều căng thẳng hơn nếu gia đình chỉ có khả năng cho con vào trường công như gia đình chúng tôi. Dịp nghỉ lễ 5 ngày vừa qua, cả nhà thống nhất không đi du lịch hay về quê để "đồng hành" cùng con ôn thi".
Anh V.D, một phụ huynh có con gái học lớp 9 Trường THCS ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), chia sẻ tâm trạng lo âu của con những ngày này: "Dù cháu chỉ chọn NV "khiêm tốn" vào những trường vốn có điểm chuẩn top cuối nhưng cháu bị áp lực vì GV dạy toán cũng là cô chủ nhiệm luôn "dọa nạt": "Nếu đi thi được điểm kém, ai hỏi điểm thì xấu hổ cho cả cô cả trò". Do vậy, tôi luôn phải động viên tinh thần để con bình tĩnh và cố gắng hết mức".
CÁC TRƯỜNG TĂNG TIẾT, ÔN LUYỆN TẬP TRUNG
Bà Lưu Thị Nguyệt Minh, GV Trường THCS Cầu Diễn (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ: Thời điểm này, GV dạy các môn thi được yêu cầu tăng cường các tiết học ôn tập theo chủ đề, đầu giờ truy bài hoặc cuối giờ để hỗ trợ về kiến thức, các kỹ năng làm bài cho HS. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để mỗi tối sẽ nhắc nhở, kiểm tra bài vở của các em. Thầy cô làm hết việc chứ không hết giờ nên nhiều GV cũng hay về muộn, thậm chí 7 - 8 giờ tối. Thời điểm này, các thầy cô tăng cường luyện đề cho các em theo dạng đề ở các năm trước để HS hiểu được cấu trúc, cách làm đề để sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Mới đây, Phòng GD-ĐT Q.Ba Đình (Hà Nội) liên tục tổ chức chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 cho tất cả GV trong toàn quận đủ 3 môn văn, toán, tiếng Anh. Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận này, cho hay những GV có kinh nghiệm tốt nhất của quận chia sẻ ôn thi thế nào hiệu quả nhất, cách hướng dẫn HS kỹ năng làm bài của từng môn để đạt kết quả cao.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay với những bộ môn không phải là môn thi tuyển sinh lớp 10, ngay từ ngày 8.5, GV đã đưa bài giảng lên hệ thống học trực tuyến LMS để HS hoàn thành nhiệm vụ học tập của chương trình. Còn lại HS học trực tiếp tại trường 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh vào các buổi sáng với thời lượng từ 6 - 7 tiết/môn/tuần, buổi chiều sẽ dành cho việc tự học, tự ôn tập…
Do kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra vào đầu tháng 6, ngay sau khi kết thúc năm học nên HS lớp 9 không có thời gian dành riêng cho việc ôn thi. Chính vì vậy, ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), cho hay ngay khi hoàn tất các bài kiểm tra học kỳ, trong 2 tuần còn lại của năm học, GV sẽ hệ thống tổng thể lại kiến thức trọng tâm. Sau đó thời gian chủ yếu để ôn luyện các dạng bài, giải đáp thắc mắc.
Còn HS lớp 9 Trường THCS Lê Lợi (Q.3) sẽ dành toàn bộ các buổi sáng để ôn tập với GV 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh; buổi chiều học hoàn tất chương trình các môn học còn lại.
Bà Dương Hữu Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, cho biết HS có thời gian 3 tuần dành cho việc ôn thi với lộ trình cụ thể.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo (Q.Bình Tân), cho biết từ ngày 15.5 các em sẽ học theo thời khóa biểu mới và tập trung vào 3 môn thi lớp 10. GV triển khai các nội dung ôn tập theo cấu trúc đề thi tuyển sinh. "Kỹ năng làm bài thi là nội dung quan trọng mà GV sẽ lưu ý để cung cấp cũng như bổ sung kịp thời để HS tự tin, sẵn sàng cho kỳ thi vào đầu tháng 6", bà Châu nhấn mạnh.
Cần quan tâm đến tâm lý của thí sinh
Ở khía cạnh chuẩn bị về tâm lý cho HS trong kỳ thi này, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho biết không ít HS ám ảnh với định kiến "trượt cấp 3" khi không đỗ vào trường THPT công lập hoặc trường top đầu". Bởi vậy, theo ông Nguyễn Cao Cường, thay vì tạo áp lực, gia đình nên lựa chọn một điểm đến phù hợp với năng lực để sự tự tin của các em được khai phá tốt nhất. Trường THPT công lập không phải sự lựa chọn duy nhất, bởi vậy rất cần có sự chia sẻ từ bố mẹ, gia đình để HS tránh những áp lực, tổn thương không cần thiết.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng các nhà trường cũng có nhiều giải pháp như tăng cường kiểm tra, đánh giá quá trình ôn tập; phân nhóm đối tượng để có phương pháp, nội dung ôn tập phù hợp, trong đó tăng cường bồi dưỡng HS khá, giỏi và phân công GV giàu kinh nghiệm phụ đạo miễn phí HS yếu, kém; kịp thời hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn. Công tác tư vấn tâm lý cũng được coi trọng nhằm giảm áp lực không đáng có, giúp HS bước vào kỳ thi với tâm thế tự tin.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)