Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chiến thuật chọn phương thức tuyển sinh sớm để tăng cơ hội trúng tuyển" diễn ra chiều qua (25.4). Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
NHỮNG NGÀNH ĐANG DẪN ĐẦU HỒ SƠ XÉT TUYỂN
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết năm nay trường tuyển sinh 7 ngành đào tạo, trong đó có 2 ngành khối kinh tế và 5 ngành khoa học kỹ thuật. Theo số liệu những năm trước, các ngành có điểm chuẩn tiệm cận nhau, nhưng tùy theo mỗi phương thức và giai đoạn xét tuyển khác nhau, điểm chuẩn có thể khác biệt tùy các ngành cho mỗi phương thức nào đó. Ví dụ ngành khoa học máy tính và kiến trúc là 2 ngành có số thí sinh (TS) xét tuyển sớm rất cao. Ngược lại, các ngành kinh tế có số TS xét tuyển bằng kỳ thi riêng và điểm kỳ thi tốt nghiệp cao. Trong khi ngành kỹ thuật xây dựng lại sử dụng điểm học bạ, điểm kỳ thi tốt nghiệp nhiều.
Thông tin thêm về việc xét tuyển sớm của Trường ĐH Việt Đức, tiến sĩ Hà Thúc Viên cho biết kỳ thi riêng của trường được tổ chức vào ngày 20.5 và phương thức xét học bạ sẽ tiếp nhận đến hết ngày 30.6. Phương thức xét tuyển thẳng sẽ tiếp nhận đến 30.9. Nhưng dù xét tuyển thẳng TS vẫn cần đạt 5.5 IELTS hoặc đạt điều kiện tiếng Anh đầu vào theo yêu cầu chung.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết các ngành của trường đang nhận được hồ sơ đăng ký xét tuyển ở mức tương đối đồng đều. Tuy nhiên có một số ngành trội hơn như: y khoa, dược học, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing… Điều này cũng phản ánh một phần thực tế xã hội sau đại dịch và bối cảnh sự phát triển của công nghệ hiện nay. Với các ngành khác, tiến sĩ Phương cũng lưu ý do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên trường dành 50 tỉ đồng để hỗ trợ tài chính người học trúng tuyển năm nay.
Ba việc thí sinh cần làm
Tiến sĩ Hà Thúc Viên đưa ra lưu ý với TS thời điểm này: "TS nên tính toán thời gian và cân đối giữa các nhiệm vụ và mục tiêu từ nay đến ngày 30.6 cho phù hợp. Ba việc cần làm gồm: tập trung thi học kỳ 2, ôn luyện thi tốt nghiệp THPT và cân nhắc ngành nghề, trường để đăng ký xét tuyển sớm. Các em cần phân bố thời gian hợp lý, khoa học để giải quyết tốt bài toán này".
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết đợt xét tuyển sớm đầu tiên của trường sẽ công bố kết quả vào ngày 30.4 và sẽ tiếp tục công bố thời gian nhận hồ sơ đợt tiếp theo. Theo đó, các ngành kinh tế của trường luôn có nhiều sức hút với TS.
Còn ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay trường đang nhận hồ sơ xét tuyển sớm phương thức điểm học bạ 3 học kỳ. Trường đang hoàn tất các bước cuối cùng để công bố kết quả đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét học bạ đợt 1. Theo ghi nhận đến thời điểm này, hồ sơ xét tuyển tập trung vào 8 ngành: công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, marketing, quản trị kinh doanh, digital marketing, thú y.
NGUYÊN NHÂN GIẢM HỒ SƠ XÉT TUYỂN SỚM
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch thông tin, lượng hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM năm nay có giảm so với cùng kỳ năm trước. Trường đã nghiên cứu để tìm ra lý do và nhận thấy hiện nhiều trường THPT đang tập trung cho học sinh (HS) ôn tập, không sao y học bạ nên HS chưa có hồ sơ tham gia xét tuyển sớm. Một phần nguyên nhân đến từ tâm lý của HS. Những năm trước vì dịch bệnh, do lo lắng, HS tham gia xét tuyển nhiều phương thức, trong đó có xét tuyển học bạ.
"Năm nay tình hình đã ổn định hơn, xu hướng xét tuyển này cũng có những thay đổi. Ngoài ra, TS hiện nay được tiếp cận và có sự xác định tốt hơn trong hướng nghiệp. Vì vậy, TS có sự tập trung hơn trong lựa chọn ngành học, trường học và không "rải" quá nhiều hồ sơ như trước đây. Việc không nộp hồ sơ đại trà đồng nghĩa với việc giảm bớt số hồ sơ ảo. Do đó thực tế này lại là tín hiệu đáng mừng", thạc sĩ Thạch phân tích. Dự báo về điểm chuẩn, thạc sĩ Thạch cho biết từ kinh nghiệm các năm trước thì phương thức xét học bạ đợt đầu tiên trường có điểm chuẩn ở mức 18.
Còn tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng ghi nhận tình trạng giảm hồ sơ so với năm trước nhưng không đáng kể. "Dù vậy, điểm chuẩn được dự báo không giảm mà có thể tương đương năm 2022", tiến sĩ Phương nhìn nhận và cho biết trường sẽ nhận hồ sơ đến hết ngày 1.5. Sau đó, trường công bố điểm và danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển sớm.
Nhiều phương thức nhưng chỉ tập trung 2 hình thức: Thi và xét tuyển
Theo số liệu tổng kết của Bộ GD-ĐT, trong năm 2022 các trường ĐH sử dụng hơn 20 phương thức xét tuyển. Trong số này, phần lớn các phương thức đều được các trường áp dụng trong thời điểm xét tuyển sớm theo những quy định riêng của từng trường.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương: "Dự kiến số lượng các phương thức năm nay cũng tương tự năm trước. Một số phụ huynh và TS có thể hơi bối rối nếu đứng từ ngoài nhìn vào con số khoảng 20 phương thức xét tuyển năm ngoái. Nhưng nếu nhìn kỹ lại thì sẽ có những hướng cụ thể theo các nhóm trường. Ví dụ, muốn xét tuyển khối quân đội - công an thì tập trung theo dõi những phương thức tuyển sinh đặc thù của nhóm trường này. Tương tự với các nhóm các trường khác cũng có những nhóm phương thức đặc trưng".
Tiến sĩ Hà Thúc Viên phân tích thêm, dù có khoảng 20 phương thức xét tuyển vào ĐH nhưng chỉ gồm 2 hình thức chính: thi tuyển và xét tuyển. Trong đó, phương thức tuyển sinh sớm là tất cả các phương thức ngoại trừ sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, có nhiều phương thức tuyển sinh sớm như: xét dựa vào các kỳ thi tuyển sinh riêng do các trường ĐH tổ chức, các chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ tiếng Anh, phỏng vấn, xét dựa vào học bạ… Ngay cả trong hình thức xét học bạ cũng có nhiều cách thức khác nhau tùy từng trường.
"Không chỉ khác nhau về hình thức tuyển sinh, các trường còn có quy định khác nhau về các mốc thời gian thi và xét tuyển của từng phương thức. TS cần theo dõi kỹ quy chế tuyển sinh riêng từng trường để nắm thông tin", tiến sĩ Hà Thúc Viên khuyên.
Còn ông Vũ Quang Huy thì cho hay tổng số hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM không thay đổi nhiều so với năm ngoái, và TS thường tập trung đăng ký dồn vào những ngày cuối đợt. Khi nói về điểm chuẩn, ông Huy lưu ý: "Mức điểm trúng tuyển các đợt sau thường cao hơn đợt 1. Ví dụ năm trước có ngành đợt 1 chỉ lấy 18 điểm nhưng đợt sau điểm chuẩn có ngành lên tới 24 - 26 điểm". Ngoài ra, theo ông Huy, một số ngành mới nhưng cũng được nhiều TS quan tâm như kinh tế quốc tế, quan hệ quốc tế…
Tiến sĩ Hà Thúc Viên cho rằng hiện các trường vẫn đang tiếp nhận hồ sơ các phương thức xét tuyển sớm, nên chưa thể đưa ra kết luận về việc có hay không sự sụt giảm số lượng hồ sơ trong giai đoạn xét tuyển sớm. Nhưng nếu có tình trạng này thì có thể xuất phát từ 3 nguyên do. Thứ nhất, các trường THPT đang tập trung ôn tập cho HS nên không cấp bản sao học bạ, do đó TS chưa có hồ sơ đăng ký xét tuyển. Thứ hai, qua bức tranh xét tuyển học bạ vài năm trước cho thấy điểm chuẩn phương thức này khá cao. Thứ ba, sau vài năm dịch bệnh, hiện tình hình ổn định hơn, thay vì tìm kiếm những phương thức xét tuyển như trước đó, năm nay TS cần thêm thời gian cân nhắc so sánh để lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp.
Bình luận (0)