Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần

13/09/2020 05:43 GMT+7

Tranh cãi sôi nổi xung quanh chuyện Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế vận động nam công chức mặc áo dài ngũ thân đi làm tự dưng kéo ra từ trí nhớ của tôi câu tục ngữ “quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”.

Bàn đẹp - xấu, đúng - không đúng, nên - không nên trong chuyện này thì chắc là chẳng có hồi kết. Luồng quan điểm nào cũng có lý lẽ thú vị đáng tham khảo cả.
Nhưng tôi chú tâm nhiều hơn đến một khía cạnh khác. Nếu dõi theo mạch tranh biện, bình luận quanh chuyện này, dễ thấy có một ước muốn trong lòng dân được đem ra để “đo đạc” vẻ đẹp thật sự của công chức, viên chức. Là vẻ đẹp thật sự, chứ không chỉ là vẻ đẹp trang phục bề ngoài của họ.
“Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”, cái vẻ đẹp áo quần bề ngoài thì cũng chỉ gây được ấn tượng trong những tiếp xúc ban đầu, còn về lâu về dài thì căn cơ nhất vẫn là chuyện tâm ý, là cái bụng cái dạ đối xử, đãi đằng nhau thế nào.
Trong nhiều dịp chia sẻ với công chức, viên chức nhiều nơi về văn hóa giao tiếp công vụ, tôi có vài lưu ý nhắc đi nhắc lại, những lưu ý rất đơn giản như: nhìn - cười - chào, đổi câu mệnh lệnh thành câu đề nghị, đổi động từ “giải quyết” thành động từ “hỗ trợ”.
Thay vì nhìn vào máy tính rồi buông câu “anh cần gì?”, thì hãy nhìn vào công dân đến giao dịch, gật đầu chào kèm theo nụ cười thân thiện.
Thay vì nói “anh phải nộp bản sao y giấy khai sinh” thì hãy nói “anh vui lòng bổ sung bản sao y giấy khai sinh”.
Thay vì nói “hồ sơ của anh không được giải quyết” thì hãy nói “chúng tôi rất tiếc không hỗ trợ được trường hợp này”.
Dễ lắm, những thay đổi ấy dễ hơn rất nhiều lần so với một chuyện như nam công chức, viên chức rủ nhau mặc áo dài ngũ thân đi làm. Nhưng sẽ phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống nền nã trong tính cách nhân hậu của người Việt. Vậy mà trong thực tế thì không phải công chức, viên chức nào cũng thực hành được.
Công dân nào đến giao dịch với cơ quan chính quyền cũng đều ước muốn mình có được những trải nghiệm tích cực về chất lượng dịch vụ chính phủ - dịch vụ mà thật ra là người dân đã đóng góp nguồn lực thông qua thuế để xây dựng và phát triển. Họ luôn muốn không gian dành cho tiếp xúc, giao dịch với công dân được đầu tư với tâm ý hướng đến phục vụ nhân dân. Họ luôn mong công chức, viên chức trang phục chuyên nghiệp, đẹp nữa thì càng tốt.
Nhưng hơn hết, họ luôn mong mỏi thái độ ứng xử văn minh, tận tâm và thấu cảm của công chức, viên chức dành cho mình. “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần” là thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.