Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đặc thù cho Buôn Ma Thuột

Mai Hà
Mai Hà
15/11/2022 09:20 GMT+7

Với 470/475 ý kiến tán thành, sáng 15.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk ).

Theo Nghị quyết, Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số đối với dân số của TP.Buôn Ma Thuột.

Số chi áp theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 khi xây dựng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết

Gia hân

Ngoài ra, Nghị quyết cho phép cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột; ưu đãi chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt...

Thời gian thực hiện thí điểm từ 1.1.2023, kéo dài 5 năm.

Cho ý kiến thẩm tra tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với TP.Buôn Ma Thuột thực hiện đúng chủ trương theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị.

Qua báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các TP.HCM và Hà Nội tại Kỳ họp thứ 4 cho thấy, nhiều chính sách thí điểm đã phát huy tác dụng, góp phần tạo nền tảng để các địa phương phát triển nhanh, bền vững, nhất là những chính sách về quản lý đất đai, tài chính - ngân sách và đầu tư.

Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục sơ kết, tổng kết các Nghị quyết thí điểm khác đã được Quốc hội ban hành để báo cáo Quốc hội theo tiến độ quy định.

Về ý kiến đề nghị bổ sung các chính sách nhằm góp phần phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ngoài chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23, theo đó các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Cùng với nghị quyết này sẽ tạo khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để Buôn Ma Thuột phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả vùng Tây Nguyên phát triển.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ; mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ phạm vi chính sách thí điểm dự thảo. Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện.

Với quan điểm đề nghị có giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh khi thực hiện các chính sách thí điểm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin Quốc hội cho phép bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định giao Chính phủ thực hiện các giải pháp đảm bảo quốc phòng, an ninh khi áp dụng các chính sách thí điểm, phù hợp với vị trí chiến lược của Buôn Ma Thuột và vùng Tây Nguyên tại khoản 1 Điều 7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc ban hành cơ chế đặc thù cho Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị, với mục tiêu phát triển Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây nguyên. Đối với tỉnh Đắk Lắk sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách riêng về phát triển vùng theo Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.