Quốc hội 'chốt' tăng lương công chức, viên chức từ 1.7.2023

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/11/2022 14:55 GMT+7

Quốc hội quyết định việc tăng lương cán bộ, công chức, viên chức từ 1.7.2023 vì cho rằng việc tăng lương sớm hơn từ 1.1.2023 gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Chiều 11.11, tại kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với 451/456 đại biểu tán thành (90,56%).

Quốc hội quyết định tăng lương công chức, viên chức từ 1.7.2023

GIA HÂN

Theo đó, Quốc hội quyết định từ 1.7.2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (hiện lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng); tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Đồng thời, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, Quốc hội đồng ý điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề từ ngày 1.1.2023 theo Kết luận số 25 ngày 30.12.2021 của Bộ Chính trị.

Vẫn theo nghị quyết được Quốc hội thông qua, các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế chính sách, thu nhập đặc thù ở T.Ư được cấp có thẩm quyền quy định với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thì tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1.7.2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).

Các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương.

Tổng chi cho cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp và chính sách an sinh xã hội là 12.500 tỉ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình tiếp thu về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

gia hân

Giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1.1.2023 để góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, song theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu áp dụng tăng lương từ 1.1.2023 thì đúng vào thời điểm đầu năm, gần với tết dương lịch và âm lịch.

Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Hơn nữa, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành T.Ư đã đồng ý điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo đề nghị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ và thời điểm áp dụng từ 1.7.2023.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu theo đúng tinh thần Kết luận số 42 của Ban Chấp hành T.Ư và đúng theo tờ trình Chính phủ.

Theo nghị quyết Quốc hội vừa thông qua, Quốc hội quyết tổng thu ngân sách nhà nước năm sau là hơn 1,62 triệu tỉ đồng; tổng chi ngân sách là hơn 2,07 triệu tỉ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỉ đồng, tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách T.Ư là 430.500 tỉ đồng (tương đương 4,18% GDP); bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỉ đồng (tương đương 0,24% GDP).

Trong năm 2023, tổng mức vay của ngân sách nhà nước là hơn 648.200 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.