Quốc hội đồng ý lập Quỹ Phòng thủ dân sự để khắc phục sự cố, thảm họa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/06/2023 11:20 GMT+7

Quốc hội đồng ý thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, nguồn của quỹ được điều tiết từ các quỹ khác có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Sáng 20.6, với 469/475 đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua luật Phòng thủ dân sự, trong đó thống nhất phương án lập Quỹ Phòng thủ dân sự không cần đợi tới khi có thảm họa, sự cố. 

Quốc hội đồng ý lập Quỹ Phòng thủ dân sự để khắc phục sự cố, thảm họa - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật Phòng thủ dân sự

GIA HÂN

Việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng luật này.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết trên cơ sở ý kiến địa biểu tại phiên thảo luận tại hội trường hôm 24.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hai phương án để xin ý kiến đại biểu. 

Trong đó, phương án một là lập ngay quỹ để kịp thời sử dụng trong tình trạng thảm họa, sự cố. Phương án 2 là chỉ lập khi có tình huống khẩn cấp, do Thủ tướng quyết định.

Ông Tới cho hay, kết quả, 374/494 đại biểu tham gia ý kiến, trong đó có 68,36% (255 đại biểu) tán thành phương án 1. Trên cơ sở ý kiến thảo luận và kết quả xin ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đại đa số đại biểu đều đồng tình với việc có Quỹ Phòng thủ dân sự, do đó việc thành lập quỹ là cần thiết.

Theo đó, Quỹ Phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở T.Ư và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.

Quỹ Phòng thủ dân sự được sử dụng cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.

Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Nguyên tắc hoạt động của quỹ hỗ trợ cho các hoạt động phòng thủ dân sự mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thực hiện trong trường hợp cấp bách.

Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Phòng thủ dân sự; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.