Quốc hội thống nhất giữ nguyên tên gọi TAND cấp tỉnh và cấp huyện

24/06/2024 08:55 GMT+7

Quốc hội thông qua luật Tổ chức TAND sửa đổi, quyết định giữ nguyên tên gọi TAND cấp tỉnh và cấp huyện, đồng thời bổ sung 'nhân tố mới' là TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Sáng 24.6, tiếp tục chương trình kỳ họp 7 khóa XV, với sự tán thành của 459/464 đại biểu, Quốc hội chính thức thông qua luật Tổ chức TAND năm 2024, thay thế cho luật Tổ chức TAND năm 2014.

Quốc hội thống nhất giữ nguyên tên gọi TAND cấp tỉnh và cấp huyện- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật Tổ chức TAND năm 2024

GIA HÂN

Không đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện

Theo quy định tại luật mới, tổ chức của TAND bao gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện, TAND sơ thẩm chuyên biệt (hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản ) và hệ thống tòa án quân sự.

Như vậy, tên gọi của TAND cấp tỉnh và cấp huyện vẫn được giữ nguyên như quy định hiện hành, thay vì đổi thành TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm như TAND tối cao từng đề xuất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quá trình xây dựng luật, nhiều đại biểu tán thành việc đổi tên gọi TAND cấp tỉnh và cấp huyện, nhưng một số đại biểu khác lại đề nghị giữ nguyên.

Quốc hội đồng ý cho ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa

Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án và xin ý kiến các đại biểu bằng phiếu. Kết quả cho thấy, 194/487 đại biểu (39,84%) đề nghị giữ nguyên, 170/487 đại biểu (34,91%) đề nghị đổi mới, không có phương án nào đạt quá một nửa tổng số đại biểu.

Sau khi xin ý kiến các đại biểu, TAND tối cao (cơ quan soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) đã thống nhất tiếp thu bằng việc tiếp tục giữ nguyên quy định về TAND cấp tỉnh và cấp huyện.

Căn cứ Nghị quyết T.Ư số 27/2022 "những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu…", Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định như dự thảo luật (giữ nguyên) về TAND cấp tỉnh và cấp huyện là phù hợp.

Quốc hội thống nhất giữ nguyên tên gọi TAND cấp tỉnh và cấp huyện- Ảnh 2.

Luật Tổ chức TAND sửa đổi giữ nguyên tên gọi TAND cấp tỉnh và cấp huyện (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

"Nhân tố mới" mang tên TAND sơ thẩm chuyên biệt

So với luật hiện hành, tổ chức TAND theo quy định tại luật sửa đổi có điểm mới rất quan trọng, đó là thành lập hệ thống TAND sơ thẩm chuyên biệt, gồm hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản.

Theo đó, TAND sơ thẩm chuyên biệt có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ án thuộc lĩnh vực tương ứng. Trường hợp bản án bị kháng cáo, kháng nghị, hệ thống TAND cấp cao (tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng) sẽ xét xử phúc thẩm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, án hành chính là loại việc khó và phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều; nếu không có quy định phù hợp thì có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân khi giải quyết loại án này.

Trong khi đó, vụ việc sở hữu trí tuệ và vụ việc phá sản tuy hiện nay số lượng chưa nhiều, nhưng tính chất phức tạp và ngày càng tăng theo sự phát triển kinh tế của đất nước. Giải quyết vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản cần có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về pháp luật, hiểu biết về các lĩnh vực chuyên môn.

Từ thực tiễn trên, việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt về hành chính, sở hữu trí tuệ và phá sản để giải quyết các vụ việc đặc thù là cần thiết.

Thời gian tới, TAND tối cao sẽ xây dựng đề án, phương án cụ thể đề xuất nơi đặt trụ sở, số lượng từng TAND sơ thẩm chuyên biệt; báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho chủ trương, rồi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập.

Để bảo đảm tính thống nhất, không tạo ra khoảng trống pháp luật, luật Tổ chức TAND sửa đổi quy định rõ: các tòa án tiếp tục thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hành chính; xét xử sơ thẩm, giải quyết vụ việc về sở hữu trí tuệ; giải quyết vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về phá sản cho đến khi các TAND sơ thẩm chuyên biệt được thành lập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt về đất đai, TAND sơ thẩm chuyên biệt về người chưa thành niên.

Cơ quan này nhận thấy, khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến đất đai từ cấp tỉnh trở lên sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính khi được thành lập; từ cấp huyện trở xuống do TAND cấp tỉnh (tòa hành chính), TAND cấp huyện giải quyết. Tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai thì do TAND (tòa dân sự) giải quyết.

Như vậy, cơ chế giải quyết các khiếu kiện, tranh chấp dân sự về đất đai đã được quy định phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chưa kể, luật hiện hành đã quy định trong cơ cấu tổ chức TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao có tòa gia đình và người chưa thành niên.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung nội dung trên vào trong dự thảo luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.