Cụ thể, người đã đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình. Trong khi nhà nước lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình, cho xã hội. Theo bà Yên, mong muốn của cả hai bên đều rất chính đáng.
Bà Yên nghiêng về phương án đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân. Đại biểu cũng cho rằng, các quy định nhằm tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như dự án luật là rất cần thiết và hợp lý.
Còn theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, năm 2022 có gần 1 triệu người nhận BHXH một lần, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021, do đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm.
Tuy nhiên, bà Hà cho biết, chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh, việc tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc, hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, phải có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bà Hà cũng kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động. Người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.
Đã có 2 nguyên tổng giám đốc BHXH bị xử lý hình sự
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, phương án 2 về rút BHXH đưa ra sẽ cho người lao động rút 50% và giữ lại 50%. Tuy nhiên, cần xem xét cơ sở nào để rút 50%, bởi điều này phải căn cứ vào khả năng đóng và rút.
Ông Phớc dẫn ví dụ, với phần chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động, dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại, sau này đóng tiếp nhằm có lương hưu. Cụ thể, cơ cấu đóng quỹ BHXH là 25,5%, trong đó 8% là người lao động đóng, còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 18% thì có 3% là ốm đau, thai sản; 0,5% là ốm tai nạn; 14% là chế độ hưu trí, tử tuất.
"Vậy, tôi nghĩ nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra khoảng gần 46% còn 54% để lại. Theo tôi, 46% là hợp lý, còn 50% họ hỏi cơ sở nào thì không giải thích được", ông Phớc nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần quy định thời gian bao nhiêu năm, nếu không đóng thì cho rút hay có phương án khác, bởi quy định vẫn đang bỏ ngỏ. Nói cách khác, "khi người lao động chỉ rút 46%, để lại 54% hay rút 50% để lại 50% thì sau bao nhiêu năm mà họ không tiếp tục quay trở lại đóng sẽ được rút cả, chứ không lẽ tiền đó lại để BHXH chiếm dụng", ông Phớc đặt vấn đề.
Đặc biệt, về danh mục đầu tư của Quỹ BHXH, ông Phớc nói rất thận trọng khi có 2 nguyên tổng giám đốc BHXH bị xử lý hình sự, do đầu tư vào công ty tài chính của Ngân hàng NN-PTNT và bị mất vốn.
Hiện, Quỹ BHXH đầu tư vào 2 lĩnh vực: 80% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, có đảm bảo chắc chắn và hỗ trợ được cho ngân sách, chính sách tài khóa nhưng lãi suất không cao. Còn lại 20% gửi ở ngân hàng thương mại, nhưng chỉ gửi tại 4 ngân hàng lớn để đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)