Thông tư 26/2022 sửa đổi, bổ sung quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn Kho bạc Nhà nước khi tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi và có lộ trình giảm dần. Cụ thể, từ 31.12.2022 đến 31.12.2023, trừ 50% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước; từ 1.1.2024 đến 31.12.2024, trừ 60% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước; từ 1.1.2025 đến 31.12.2025, trừ 80% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước; từ 1.1.2026, trừ 100% tiền gửi Kho bạc Nhà nước.
Ngoài ra, ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại Thông tư 41/2016 thực hiện lộ trình tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu phê duyệt sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Trong thời gian chưa áp dụng Thông tư 41/2016, ngân hàng thương mại thực hiện tỷ lệ an toàn vốn quy định tại Thông tư 22/2019.
Cuối năm 2022, Kho bạc Nhà nước thông tin đang gửi gần 700.000 tỉ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính. Khoảng 270.000 tỉ đồng số tiền còn lại gửi có kỳ hạn từ 1 - 2 - 3 tháng gửi tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) kỳ hạn 1 - 3 tháng với lãi suất khoảng 6% một năm. Kho bạc Nhà nước đã mở tài khoản chuyên thu và kết nối thanh toán với 15 ngân hàng là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, DongABank, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, OCB, MSB, TPBank, LienVietPostBank, HDBank.
Bình luận (0)