Tại dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định chấm dứt quyền sở hữu chung cư khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ.
Sau khi chấm dứt quyền sở hữu chung cư, các chủ sở hữu được quyền tiếp tục sử dụng đất chung của nhà chung cư để xây dựng nhà chung cư, trường hợp do quy hoạch không được tiếp tục xây dựng nhà chung cư thì được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định.
Nêu ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường dẫn ngay các quy định tại dự thảo luật và Hiến pháp hiện hành khẳng định quyền sở hữu nhà chung cư được Nhà nước bảo hộ, bảo đảm. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp thì Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường theo giá thị trường.
Từ đó, ông Cường cho rằng, việc Chính phủ đề xuất chấm dứt quyền sở hữu chung cư như dự thảo luật Nhà ở sửa đổi là chưa chặt chẽ về pháp lý, gây mâu thuẫn ngay trong dự thảo.
"Trên thực tế, việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư có thể không có quá nhiều ảnh hưởng ở các địa phương khác nhưng ở Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn trực thuộc T.Ư thì tác động rất lớn do quỹ đất hạn chế, số lượng nhà ở không nhiều, trong mỗi tòa nhà chung cư là hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình, đối tượng chịu tác động của chính sách này rất lớn", ông Cường nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì bày tỏ ủng hộ quan điểm tiếp cận sở hữu nhà chung cư có thời hạn và có điều kiện mà Chính phủ đề xuất nhằm khắc phục việc phá dỡ nhà chung cư hết niên hạn sử dụng.
Ông Thanh dẫn chứng khi còn ở địa phương, không có cách nào vận động người dân di dời khi phá dỡ chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc không đảm bảo điều kiện an toàn.
"Người dân ở tầng trên có thể đồng thuận, nhưng tầng dưới không bao giờ người ta đồng ý, di dời mà không có sự đồng thuận không giải quyết được", ông Thanh nói, và cho rằng, chính sách này cần thiết nhưng Chính phủ cần làm rõ, báo cáo Quốc hội để Quốc hội có quyết sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị cân nhắc vì quy định trường hợp nhà chung cư phá dỡ do nửa chừng xuống cấp hay thiên tai động đất thì chấm dứt quyền sở hữu "e rằng đưa ra toàn dân sẽ phản ứng".
"Vướng mắc cải tạo chung cư có phải do quy định thời hạn sở hữu?"
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phải xác định rõ: "Vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ có phải ở quy định sở hữu này hay không?"
"Bắt cho đúng bệnh thì chúng ta có đối sách phù hợp", Chủ tịch Quốc hội nói.
Dẫn lại nhiều quan điểm không tán thành đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn được Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra nêu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo các quy định tại Hiến pháp, bộ luật Dân sự thì ngay cả khi chung cư bị tiêu hủy, quyền của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn tồn tại chứ không phải bị chấm dứt.
"Tức là người ta vẫn xác lập có quyền ở đây. Quyền này được quy định ở luật có liên quan như luật Nhà ở, chứ không phải quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư phải phá dỡ như dự luật", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các ý kiến không tán thành đề xuất cũng cho rằng, không thể đồng nhất giữa 2 phạm trù quyền sở hữu và thời hạn sử dụng chung cư.
Theo đó, thời hạn sử dụng nhà chung cư hay nôm na là "tuổi thọ" nhà chung cư là khái niệm về kỹ thuật xây dựng, khác với phạm trù quyền sở hữu, một khái niệm pháp lý.
"Lập luận này cho rằng quy định như dự thảo thì vô hình trung đang nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và thời hạn sử dụng", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên chia ra nhiều trường hợp điều kiện khác nhau với chung cư bắt buộc phải phá dỡ, cải tạo. Chẳng hạn, chung cư bắt buộc phải phá dỡ do bất khả kháng vì thiên tai, dịch họa, hỏa hoạn; hoặc do mất an toàn, nguy hiểm.
"Không phải hết thời hạn sử dụng mới nguy hiểm. Ngược lại, có trường hợp hết thời hạn sử dụng vẫn còn ở được", Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đồng thời đề nghị cần phân biệt việc tháo dỡ, cải tạo hay tiêu hủy tòa chung cư độc lập cụ thể hay cải tạo cả khu chung cư như Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đang làm.
Quy định cụ thể trường hợp cải tạo chung cư cũ, không an toàn
Giải trình thêm sau đó, về quy định sở hữu nhà chung cư như dự thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, việc trình phương án đó nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi công trình chung cư mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng.
Ông Nghị cũng dẫn lại các căn cứ pháp lý đưa ra phương án này là theo quy định của Hiến pháp, bộ luật Dân sự quy định trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì quyền chủ sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật. "Do đó, luật Nhà ở dự kiến quy định như vậy", ông Nghị cho hay.
Ông Nghị nhấn mạnh dự thảo luật Nhà ở sửa đổi chỉ quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt.
Đồng thời, theo ông Nghị, đề xuất này cũng xuất phát từ việc cải tạo chung cư cũ hiện nay ở Hà Nội, TP.HCM và trên cơ sở kinh nghiệm các nước trong khu vực, quốc tế.
Tuy nhiên, qua ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nghị nói cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc rà soát, quy định kỹ, rõ hơn nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như mục tiêu cải tạo chung cư cũ, đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân trong thời gian tới.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định quá trình thảo luận, các ý kiến cơ bản đề nghị không quy định thời hạn sở hữu chung cư. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định và có trách nhiệm tổ chức thực hiện di dời, phá dỡ, cải tạo nhà chung cư không còn an toàn vì mục đích bảo đảm sức khỏe, tính mạng, tài sản cho người dân.
"Cần quy định các trường hợp cụ thể, trình tự thủ tục, phương án tiến hành, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan khi cải tạo nhà chung cư không còn an toàn; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân có nhà phải di dời", ông Định nói.
Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu Chính phủ tiếp thu ý kiến thì trình phương án hôm nay Thường vụ Quốc hội thảo luận và có kết luận. Nếu tiếp tục có phương án riêng thì đề nghị Chính phủ trình 2 phương án, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án làm cơ sở để Quốc hội thảo luận.
Bình luận (0)