Chiếc bát men trắng nổi tiếng thế giới
PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, vẫn nhớ thời điểm năm 2004, khi Tổng thống Pháp Jacques René Chirac và Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Chiếc bát sứ men trắng thời Lê đào được tại đây đã được mang ra để hai vị khách chiêm ngưỡng. “Từ khi phát hiện, chiếc bát đã trở lên rất nổi tiếng, trở thành di sản quý giá của Hoàng thành Thăng Long và nó đã được công bố nhiều trên các sách và tạp chí trong, ngoài nước. Hai vị khách đều thán phục, ngợi ca về phẩm cấp cao quý, chất lượng tuyệt hảo, vẻ đẹp tinh mỹ của đồ án hình rồng khi chiêm ngưỡng chiếc bát này”, ông Trí nhớ lại.
Chiếc bát thấu quang vẽ rồng nổi tiếng |
BTC cung cấp |
Ông Trí cho biết đặc điểm nổi bật của chiếc bát hiếm quý này là có màu sắc tinh tế, hình thức tao nhã và rất nhẹ. Thai cốt mỏng nhẹ như vỏ trứng, xương gốm cứng chắc, ánh sáng xuyên qua thai cốt gọi là sứ thấu quang và men có màu trắng ngà hay trắng kem óng mịn, được phủ kín dưới đáy và cả vành chân đế. Độ mỏng, độ tinh xảo, độ thấu quang của bát đã đạt ở độ rất cao, rất hoàn hảo so với đồ sứ cao cấp của Trung Quốc thời Bắc Tống. “Điều này đã đem lại sự ngạc nhiên, cảm phục và là niềm tự hào của giới chuyên môn lẫn công chúng”, ông Trí cho biết.
Theo PGS-TS Trí, sứ men trắng thấu quang là phát hiện quan trọng và thú vị nhất về đồ gốm ngự dụng trong Hoàng thành Thăng Long thời Lê. Đây là những đồ sứ đặc sắc, cao cấp và điển hình nhất trong số những sưu tập đồ sứ ngự dụng tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long. Phát hiện này đã đem lại cả ngạc nhiên lẫn khâm phục cho giới chuyên môn và những người yêu đồ sứ Việt Nam.
Đĩa men lam vẽ rồng thời Lê sơ |
Nắp hộp có rồng thời Lý |
Chiếc bát sứ men trắng, theo PGS-TS Trí, là bằng chứng chắc chắn về sản phẩm của lò quan Thăng Long, nơi chuyên chế tác đồ sứ cao cấp dành riêng cho nhà vua sử dụng trong hoàng cung. Dấu hiệu thuyết phục chính là đồ án trang trí rồng 5 móng, chính giữa lòng bát in chữ Quan. “Trước đây, các nhà khoa học trong nước và quốc tế vẫn cho rằng gốm cổ Việt Nam không có đồ sứ, không có lò quan mà chỉ có lò dân. Họ cũng cho rằng Việt Nam không sản xuất được các loại đồ sứ cao cấp và tinh mỹ như đồ sứ Trung Quốc. Nhưng các hiện vật gốm tại hoàng thành đã khiến họ tin rằng thời Lý, Việt Nam đã sản xuất được những đồ sứ đích thực”, ông Trí nói.
Lò quan và con đường thương mại liên quốc gia
Bát men ngọc trang trí rồng thời Lê |
TS Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ, lại cho rằng không hẳn đồ gốm nào có chữ Quan Diêu cũng là đồ gốm ngự dụng hay do lò quan của triều đình sản xuất. Cá nhân ông tiếp xúc với nhiều tiêu bản gốm có chữ Quan Diêu nhưng lại là đồ bình dân. Đó là những đồ được bán lên vùng núi xa xôi hẻo lánh, bán cho nhà chùa, dân thường làm đồ tùy táng cho người chết, cho người dân sử dụng thường ngày, được mang đến các cảng sông, cảng biển để xuất đi nước ngoài… “Việc sản xuất những đồ gốm này hoàn toàn vì mục đích thương mại. Lý do có chữ Quan Diêu trong lòng đồ gốm có thể do bắt chước đồ gốm của lò quan hoặc đơn giản chỉ là in thêm vào để bán hàng chạy”, TS Dũng nêu. Chính vì thế, theo ông Dũng, muốn khẳng định là đồ ngự dụng hay lò quan, cần căn cứ vào chất lượng của hiện vật nữa.
GS Dashu Qin (Trung Quốc) cho biết có những ảnh hưởng liên tục không đứt đoạn giữa gốm Cảnh Đức Trấn và gốm Thăng Long. Ông cũng cho biết có những giao lưu gốm giữa Thăng Long và vùng giáp biển ở Trung Quốc như Phúc Kiến. Ông cũng cho rằng với các đồ gốm vẽ rồng, có thể căn cứ số móng để xác định đồ ngự dụng. Với các loại không vẽ rồng, lại phải xác định bằng yếu tố chất lượng đồ sứ.
Đĩa men lam vẽ rồng có hình cánh sen |
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, lại nhắc tới các dòng gốm mỏng cao cấp trên tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Loại hình gốm mỏng này tìm thấy trong khối lượng khổng lồ gốm hoa lam Chu Đậu trên tàu. Hầu hết chúng đều bị vỡ thành những mảnh quá nhỏ vì rất khó bảo quản trong điều kiện chuyên chở nhiều, đường dài, lại bị đắm, nghiêng đổ, sóng gió nhiều thế kỷ và có thể bị cả việc quét lưới của ngư dân gần đây.
Theo ông Tín, tuy được phân ra nhiều loại nhưng về cơ bản, các dòng gốm mỏng cao cấp Việt Nam tìm thấy trên tàu đắm Cù Lao Chàm gần gũi với nhau. Chúng cũng có phần gần với dòng gốm men cùng loại ở Hậu Lâu và một số vị trí khác trong Hoàng thành Thăng Long về độ cứng, men và kỹ thuật tráng men ở đế, tuy hoa văn khác hẳn và không có chữ Quan. “Có một kỹ nghệ gốm cao cấp ở Việt Nam”, ông Tín nói.
PGS-TS Tín cũng cho rằng kỹ nghệ gốm cao cấp ở Việt Nam được dùng sản xuất ở 3 khu vực khác nhau. Tại Chu Đậu (Hải Dương) đã thấy một số mảnh cho thấy lò. Cậy Ngói (cũng ở Hải Dương) đã tìm thấy dấu tích lò nhưng thô hơn. “Hoàng thành cũng chưa tìm thấy lò nhưng có thể đoán Thăng Long có những lò sản xuất gốm mỏng cao cấp ở trình độ cao nhất và thường sản xuất đồ gốm dùng cho hoàng cung”, PGS-TS Tín cho biết.
Bình luận (0)