Quy hoạch cản bước du lịch TP.HCM

22/11/2018 15:32 GMT+7

Các chuyên gia nhận định : TP.HCM đang lãng phí một nguồn tài nguyên không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn có thể đem đến giá trị kinh tế rất lớn cho ngành du lịch nói riêng cũng TP.HCM nói chung.

Sáng 22.11, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển Du lịch Di sản Văn hóa trên địa bàn TP.HCM" nhằm cùng ngành văn hóa tìm ra con đường chung trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch văn hóa, biến TP.HCM trở thành đô thị di sản.
Nhà cao tầng "đè" di sản 
Theo kết quả kiểm kê, khảo sát và đánh giá của Sở Du lich TP.HCM, trên địa bàn 24 quận, huyện của TP có 386 tài nguyên du lịch, trong đó chiếm tới 97,9% được xếp vào tài nguyên du lịch văn hóa. Đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn để TP.HCM phát triển loại hình du lịch này.
Tuy nhiên PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhận định TP.HCM vẫn chưa thực sự tận dụng được tiềm năng, thậm chí những sai lầm trong quy hoạch đang vô tình "xóa sổ" nhiều địa danh, địa điểm, công trình mang ý nghĩa lịch sử lớn. Cụ thể, việc phát triển không kiểm soát nhà cao tầng, dựng quá nhiều cao ốc dọc theo hai bên các đại lộ lớn đã từng nổi tiếng trong lịch sử như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng... biến Sài Gòn xưa dần trở thành một đô thị hiện đại theo kiểu phương Tây, "ký ức" đô thị xưa phai mờ dần. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch là nét đặc trưng rất riêng của TP.HCM cũng đang dần bị san lấp, bỏ phí. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các dòng sông, các đại lộ lớn với tư cách là các trục quy hoạch của đô thị nếu được tôn trọng, bảo tồn như những bộ phận cấu thành di sản đô thị, bao giờ cũng là loại tài nguyên du lịch sang trọng và có sức hấp dẫn với du khách.
Cũng theo ông Bài, việc TP.HCM tập trung phát triển các khu đô thị mới về phía nam - vốn là vùng trũng thấp mà không tiến về phía tây bắc (Củ Chi, Hóc Môn) còn là nguyên nhân căn cốt dẫn tới hiện tượng lụt, úng nội thành khi triều cường và khi mưa lũ. Cảnh phát triển đô thị chưa chuẩn xác, hiện tượng ngập úng dẫn tới kẹt xe hằng ngày làm suy giảm sức hấp dẫn về du lịch của một đô thị năng động như TP.HCM . 
"Trong xu hướng tái cấu trúc đô thị để TP.HCM trở thành đô thị đa trung tâm, cần gấp rút triển khai dự án tái sinh, hồi sinh hệ sinh thái hệ thống sông ngòi, kênh rạch - những yếu tố can dự tới quy hoạch đô thị với tư cách là loại tài nguyên thiên nhiên - văn hóa cho phát triển du lịch, vừa góp phần giảm tải ngập úng cho TP, vừa tạo nên bản sắc và vóc dáng của một đô thị hiện đại với đặc trưng vùng đất sông nước Nam bộ trên bến dưới thuyền" - PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất.
Quy hoạch khai thác di tích phục vụ du lịch
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Đức Tuấn, từ Trường đại học Văn hóa TP.HCM báo động việc bảo tồn di tích kiến trúc, nghệ thuật đang là vấn đề bức thiết của TP.HCM, điển hình như trường hợp dinh Thượng Thơ đang gây xôn xao dư luận thời gian qua. Nhiều di sản kiến trúc bị thay đổi chủ nhiều lần, đang được sử dụng sai mục đích ban đầu, gây mất mát kiến trúc truyền thống. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ vấn đề quản lý.
Theo ông Tuấn, hiện kiến trúc truyền thống ở TP.HCM đang có xu thế chuyển dần sang tư nhân hóa việc quản lý và sử dụng. Do quản lý không tập trung , thiếu hồ sơ gốc và trình độ chuyên môn của chủ sở hữu cùng cơ quan quản lý công trình không cao nên dễ đi đến việc thay đổi kiến trúc, làm mất đi giá trị nghệ thuật và kiến trúc vốn có của công trình, gây ảnh hưởng, thất thoát di tích. TS Nguyễn Đức Tuấn kiến nghị lãnh đạo ngành du lịch cùng ngành văn hóa cần bắt tay, tìm ra con đường chung, tìm giải pháp bảo tồn và khai thác tốt di tích trong hoạt động du lịch. Trong đó quan trọng nhất là quy hoạch việc khai thác di tích phục vụ du lịch. 
"Cần xác định tính chất của di tích phục vụ du lịch, khoanh vùng bảo vệ, phân định phạm vi cho khách tham quan và khu vực bảo vệ. Cần có những chiến lược quảng bá các di sản văn hóa thông qua các công ty du lịch có uy tín một cách thường xuyên như một dạng tài nguyên du lịch, từ đó hình thành các sản phẩm du lịch có giá trị. Đồng thời, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện bản đồ phân bố di sản văn hóa vật thể, phi vật thể để làm cơ sở thiết kế các tour du lịch văn hóa hấp dẫn" - ông Tuấn nói. 
PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh di sản không chỉ mang giá trị văn hóa to lớn mà còn chứa đựng tài sản vật chất khổng lồ có thể quy thành tiền. Đơn cử, riêng 8 di sản thế giới của Việt Nam năm 2017 đã thu hút gần 16 triệu lượt khách trong và ngoài nước, thu phí tham quan được 2.500 tỉ đồng. "TP.HCM cần được bảo tồn với tư cách là một thành phố di sản/di sản đô thị gắn với phát triển du lịch bền vững. Phải thiết lập một danh mục các di tích, công trình kiến trúc tiêu biểu cần được bảo tồn để được chú ý thỏa đáng trong quá trình TP quy hoạch đô thị. Tổ hợp di sản này sẽ góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội của toàn TP" - Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.