Trong tờ trình 2575 về phê duyệt Quy hoạch điện 8 gửi Hội đồng thẩm định, Bộ Công thương cho rằng, với các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong triển khai, cần điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện gió điện mặt trời, điện sinh khối để phù hợp nhu cầu và không giới hạn công suất điện cho xuất khẩu nếu các dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến đến năm 2030, quy mô xuất khẩu điện đạt khoảng 3.000 - 4.000 MW.
Dự thảo cũng nêu phương án phát triển nguồn điện lưu trữ. Phát triển nhà máy thủy điện tích năng với quy mô khoảng 2.400 MW đến năm 2030. Mục đích điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Pin lưu trữ được phát triển khi có giá thành hợp lý, bố trí gần trung tâm điện gió, mặt trời. Đến năm 2030 công suất đạt 300 MW. Định hướng đến năm 2050, công suất thủy điện tích năng và pin lưu trữ đạt 30.650 - 45.550 MW nhằm phù hợp tỷ trọng năng lượng tái tạo.
Đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Định hướng điện mặt trời phát triển phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành giảm xuống mức hợp lý.
Đến năm 2030, điện gió trên bờ đạt 21.880 MW, điện gió ngoài khơi phục vụ trong nước đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.000 MW; tổng công suất điện mặt trời đạt khoảng 20.591 MW, định hướng đến 2050 đạt 168.594 - 189.294 MW.
Tuy vậy, tại tờ trình này, Bộ Công thương cũng đề nghị Hội đồng thẩm định chấp thuận trước mắt chưa cho triển khai tiếp 27 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.136,25 MW.
Với điện than, Bộ Công thương cho biết, có 6 dự án với tổng công suất 6.125 MW đang khẩn trương hoàn thành. Ngoài ra, có 6.200 MW dự án BOT nhiệt điện than (Quảng Trị, Nam Định 1, Sông Hậu 2, Vĩnh Tân 3) gặp khó khăn trong vay vốn và thay đổi cổ đông, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm.
Đối với dự án nhiệt điện Công Thanh, công suất 600 MW, được giao từ năm 2011. Đến nay, dự án đã được phê duyệt, báo cáo nghiên cứu khả thi, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, có hợp đồng thuê đất, hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán điện… Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn trong thu xếp vốn. Chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đã có đề nghị chuyển đổi nhiên liệu sang LNG và tăng công suất lên 1.500 MW. Bộ Công thương đồng ý cho chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG nhưng vẫn giữ công suất 600 MW.
Như vậy, với 5 dự án có tổng công suất 6.800 MW (4 dự án nhiệt điện và 1 dự án Công Thanh chuyển đổi sang LNG), Bộ Công thương đề xuất vẫn để trong danh mục để tiếp tục xử lý. Để đối phó trường hợp các dự án này không thể triển khai, cần bù bằng nguồn điện khác, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối.
Cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 với tổng công suất phục vụ nhu cầu trong nước 158.244 MW (không bao gồm xuất khẩu). Trong đó, thủy điện chiếm 18,5%; nhiệt điện than 19%; nhiệt điện khí trong nước 9,4%; nhiệt điện LNG 14,2%; điện gió trên bờ 13,8%, điện gió ngoài khơi 3,8%, điện mặt trời 13%; điện sinh khối, từ rác 1,4%...
Định hướng đến năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện.
Bình luận (0)