Quy mô nhỏ, doanh nghiệp Việt cần làm gì để tham gia chuỗi toàn cầu?

16/12/2024 13:00 GMT+7

Việt Nam là đối tác chiến lược toàn cầu của nhiều nền kinh tế lớn, là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, nên doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa vẫn có nhiều cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, thương mại toàn cầu.

Chọn dự án FDI liên doanh, liên kết

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cả nước có 5.000 doanh nghiệp ngành công nghệ phụ trợ. Trong đó, có 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2, cấp 3...

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), có hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng 98% ở quy mô vừa và nhỏ thì không phải là thế mạnh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Liên doanh Vietsopetrol là mô hình thành công, khi doanh nghiệp trong nước liên kết với FDI từ Nga giúp ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ, có vị thế trên thế giới nhưng mô hình này không được nhân rộng.

"Chính sách thu hút FDI cần có những điều kiện sàng lọc, ràng buộc FDI liên kết với doanh nghiệp trong nước cùng đầu tư, sản xuất và cùng phát triển để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi toàn cầu", TS Nguyễn Bích Lâm kiến nghị.

Quy mô nhỏ, doanh nghiệp Việt cần làm gì để tham gia chuỗi toàn cầu?- Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt chưa tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu, vốn là sân chơi của doanh nghiệp FDI

ẢNH: NGỌC THẮNG

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết năng lực của nhiều doanh nghiệp không thua kém các FDI cùng lĩnh vực. Ngành công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo hiện nay có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng và có vị thế vững chắc.

Nhiều doanh nghiệp là nhà cung ứng lớp 1 cho các "ông lớn" như: Samsung, Canon, Panasonic... Nhưng hiện nay, doanh nghiệp đầu chuỗi chưa có thương hiệu Việt. Do đó, để tham gia sâu hơn, mạnh hơn vào chuỗi, các doanh nghiệp cần chủ động nhận diện cơ hội, khó khăn, tận dụng tối đa chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực, trình độ sản xuất.

Chủ động chuyển đổi số, phát triển bền vững

Bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt cơ hội từ các xu hướng, yêu cầu mới, đòi hỏi từ nhiều thị trường xuất khẩu như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số…

"Kinh tế số mở ra cho doanh nghiệp cơ hội rất lớn, tiếp cận thị trường toàn cầu thông qua thương mại điện tử. Các doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội này sẽ nâng cao được sức cạnh tranh", bà Lâm nói.

Quy mô nhỏ, doanh nghiệp Việt cần làm gì để tham gia chuỗi toàn cầu?- Ảnh 2.

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu

ẢNH: NGỌC THẮNG

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT), khẳng định yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp tham gia thương mại toàn cầu là phát triển bền vững theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Dẫn chứng ngành dệt may Việt Nam vừa qua mất 5 tỉ USD đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường cao cấp, các đơn hàng này được được chuyển sang Bangladesh do nước nhập khẩu yêu cầu sản phẩm được sản xuất ở nhà máy xanh. Việt Nam có ngành dệt may rất mạnh, xuất khẩu lớn nhưng chỉ có 60 nhà máy đạt chuẩn sản xuất xanh.

Trong khi đó, Bangladesh chuyển đổi sớm hơn, họ có hơn 300 nhà máy đạt tiêu chuẩn này. Đây là ví dụ điển hình, nếu chậm chuyển đổi theo yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ không thể tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thậm chí gánh chịu những tổn thất, thiệt hại rất lớn.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, rất nhiều quy định toàn cầu gần đây tập trung hướng vào mục tiêu kinh tế xanh đã làm thay đổi cấu trúc thương mại, đầu tư toàn cầu. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ quy định về phát triển bền vững để thích ứng với các quy định mới thì xuất khẩu sẽ bị dừng đột ngột, bị loại khỏi thị trường ngay lập tức.

PGS-TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, để tham gia sâu vào chuỗi thương mại toàn cầu thì yêu cầu gần như là bắt buộc doanh nghiệp phải xây dựng báo cáo phát triển bền vững. Trong đó, doanh nghiệp cần xây dựng các tiêu chuẩn báo cáo phổ biến hiện nay như: chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Hai hệ thống tiêu chuẩn này còn đi kèm theo các báo cáo khác, như Công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.