Chiều nay, 31.7, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp đã bàn biện pháp ứng phó trước các diễn biến lan rộng của dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh đã có bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong.
Nói về trường hợp bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong (bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, ở tại P.Minh An, TP.Hội An, Quảng Nam), quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân tử vong do nhồi máu cơ tim trên bệnh lý nền tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, biến chứng; suy hô hấp do suy tim và Covid-19.
Theo ông Long, đây là trường hợp bệnh nhân rất nặng, cao tuổi, nhiều bệnh lý nền nặng, đã được hội chẩn nhiều lần của Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, tim mạch, truyền nhiễm; được Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện T.Ư Huế điều trị, hồi sức tích cực, cấp cứu liên tục.
"Thậm chí, Bộ đã cử GS - TS Nguyễn Quang Tuấn, chuyên gia đầu ngành về tim mạch, vào trực tiếp điều trị nhưng vẫn không cứu được", ông Long thông tin thêm.
Đưa lực lượng tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, diễn biến dịch bệnh tại Đà Nẵng tương đối phức tạp vì đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa xác định được nguồn lây. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các ca phát hiện đều thuộc cụm bệnh viện ở Đà Nẵng. Một vài ca bệnh khác không liên quan đến cụm bệnh viện đang được tiến hành điều tra nguồn gốc lây nhiễm.
Bộ Y tế xác định tình hình ở Đà Nẵng không đơn giản vì những bệnh nhân mắc Covid-19 đều là những bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý nền nặng (cấp cứu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo). Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất sát sao, tập trung phương tiện, trang thiết bị, điều động những lực lượng tốt nhất vào Đà Nẵng.
Hiện Bộ Y tế đã nâng công suất xét nghiệm tại Đà Nẵng lên 10.000 mẫu/ngày. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng các chuyên gia giỏi nhất đã vào Đà Nẵng phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch...
Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành truy vết, xác định số lượng người đến và đi từ Đà Nẵng và từ cụm bệnh viện để phát thông tin cảnh báo, gửi tin nhắn,… Bộ đang tiếp tục rà soát, triển khai lấy mẫu để xét nghiệm diện rộng để truy vết trong cộng đồng.
Khoanh gọn, dập sớm ổ dịch ở Đà Nẵng
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ưu tiên cao nhất bây giờ là tiếp tục thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, các ngành, tập trung khoanh gọn, dập thật sớm ổ dịch ở Đà Nẵng.
"Chúng ta đã dùng những biện pháp rất mạnh, Bộ Y tế đã lập tổ công tác đặc biệt, tăng cường rất nhiều chuyên gia, huy động các lực lượng công an, quốc phòng cùng vào cuộc dập dịch. Thông tin đến bây giờ cho thấy về cơ bản các ca bệnh được phát hiện đều liên quan đến khu 3 bệnh viện ở Đà Nẵng nhưng chúng ta không được chủ quan. Các địa phương phải tăng cường siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt các thành phố lớn", ông Đam yêu cầu.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thống nhất trình Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo để sẵn sàng trong trạng thái bình thường mới khi có sự cố như Đà Nẵng.
Tại thông báo kết luận cuộc họp về Covid-19 mới đây nhất, hôm 29,7, Thủ tướng đã giao chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tuỳ tình hình dịch để quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng mức nguy cơ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16 ngày 31.3 hoặc Chỉ thị 19 ngày 24.4.
|
Bình luận (0)