Quyền phụng sự bóng đá Việt Nam

Huỳnh Sang
Huỳnh Sang
07/11/2022 04:13 GMT+7

Đại hội Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa 9 vừa bầu được ban lãnh đạo mới. Với một ê kíp mới, ai cũng đặt kỳ vọng vào sự tận tâm và trách nhiệm của họ với bóng đá nước nhà.

Phải khẳng định, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đạt được những thành tựu rực rỡ như nhiệm kỳ vừa qua ở nhiều cấp độ nam - nữ, từ đội trẻ đến tuyển quốc gia, kể cả futsal. Nổi bật nhất là thành quả của bóng đá nam 11 người với những cột mốc ấn tượng của các đội tuyển U.23, tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Hàn Quốc Park Hang-seo. Từ chỗ bóng đá Việt Nam bị đánh mất niềm tin của người hâm mộ thì sự xuất hiện của ông Park gắn liền với thành công của nhiều lớp cầu thủ như là đầu kéo giúp cả đoàn tàu còn lại tăng tốc, tiến về phía trước. Nhìn nhận công lao và nỗ lực của ông Park cũng không có gì quá đáng, bởi gần như chính ông và các đội tuyển mà ông dẫn dắt đã tạo ra niềm cảm hứng và động lực mạnh mẽ thúc đẩy hệ thống tổ chức bóng đá nước nhà, trong đó có các tổ chức quản lý điều hành như VFF, VPF vận hành đúng hướng.

Cố HLV Alfred Riedl từng nói: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, bởi ông nhận ra hệ thống quản lý, vận hành bóng đá Việt Nam từ hạ tầng đến thượng tầng trước đây từng được “xây cất” rất ngược đời. Cách làm ấy nếu tạo ra thành quả cũng chỉ là cục bộ, tạm bợ chứ không thể bền vững được. Rồi khi ông Park Hang-seo đến, đưa bóng đá Việt Nam thăng hoa ở các sân chơi U.23 châu Á, ASIAD, AFF Cup 2018, ASIAN Cup 2019 và vào đến tận vòng loại thứ 3 World Cup 2022... thì vẫn còn sự hoài nghi về nền móng của bóng đá Việt chưa thật sự vững chắc.

Thực tiễn cho thấy một nền bóng đá mạnh phải có giải vô địch quốc gia hấp dẫn, vững vàng. Nhưng hệ thống giải chuyên nghiệp ở ta thì còn bị nghi ngờ nhường điểm, cho điểm. Các giải đấu thừa bạo lực, yếu chuyên môn. Công tác trọng tài còn yếu kém. Công tác đào tạo trẻ thì… chưa đồng đều, lệch pha giữa các đội bóng, các địa phương. Khả năng huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế. Bóng đá Việt có lúc được xây theo hình tháp ngược...

Bây giờ ê kíp lãnh đạo VFF nhiệm kỳ mới vừa hình thành. Vậy họ phải giải quyết những tồn đọng ấy như thế nào?

VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nơi đây chẳng phải là chỗ để người ta tạo dựng vị thế, xây dựng cơ đồ, sự nghiệp cá nhân. Mà đến với tổ chức này, người ta phải có sẵn trí lực, vật lực, tiềm lực, năng lực… để sẵn sàng cùng nâng tầm vị thế bóng đá Việt Nam. Cạnh tranh chiếc ghế ở VFF không phải là cạnh tranh quyền lực để “gọi vốn”, để làm giàu cho bản thân, mà là cạnh tranh giành quyền phụng sự. Những người được tín nhiệm vào những vị trí quan trọng cần xác định lấy niềm vui, sự thăng hoa của nền bóng đá làm động lực cống hiến. Họ cần phải nhận thức đầy đủ về sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm khi xây đắp một “sân khấu bóng đá” lớn mang theo kỳ vọng của gần 100 triệu dân Việt. Vì vậy, khi đã ngồi vào chiếc ghế của tổ chức này thì lợi ích cá nhân phải là thứ yếu.

Trước mắt, thách thức lớn được đặt ra trong nhiệm vụ mới là đừng để bóng đá Việt Nam rơi vào tình cảnh “phú quý giật lùi”. Làm sao để đội tuyển bóng đá nữ giành vé dự World Cup trở thành “thói quen”? Làm gì để tuyển bóng đá nam có mặt ngay ở World Cup 2026 khi sân chơi này tăng số đội tham dự VCK lên 48 đội? Tổ chức vận hành quản lý ra sao để hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp trở thành bệ phóng vững chắc cho cả nền bóng đá? Hay tính toán khai thác thế nào để “lấy bóng đá nuôi bóng đá” chứ không còn “bám” các ông chủ doanh nghiệp nữa?...

Đó mới chính là “bài test” cho năng lực, tâm thế và trách nhiệm của từng thành viên của ê kíp VFF nhiệm kỳ mới!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.