Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng

Mai Hà
Mai Hà
04/11/2022 04:16 GMT+7

Chúng ta thường ví von trong quan hệ mua bán thì người tiêu dùng được xem như “thượng đế”.

Nhưng thực tế, như lời đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) khi thảo luận dự luật Bảo vệ người tiêu dùng - NTD (sửa đổi), thường sau khi mua hàng “thượng đế” lại trở thành “nô lệ”.

Sự yếu thế của NTD không chỉ ở việc thiếu công cụ bảo vệ, mà ngay cả khi có họ cũng rất ngại khiếu nại do các quy định quá phức tạp, “đòi được vạ thì má đã sưng”. Có một thực tế khá bi hài là rất nhiều vụ việc chỉ được chú ý khi được đưa lên mặt báo, trong khi Hiệp hội Bảo vệ NTD, như thường lệ trong đa số vụ việc, đều “im lặng”.

Luật Bảo vệ NTD ra đời từ 12 năm trước đã quá lỗi thời, trong khi các cạm bẫy bủa vây NTD thời 4.0 đang ngày càng tinh vi hơn. Khác với quan hệ mua bán đơn thuần trước đây, với hình thức mua sắm online trực tuyến phổ biến ngày nay, NTD dễ dàng bị lừa hơn bởi vô vàn cách thức quảng cáo trên không gian số, qua hình ảnh những ngôi sao, người nổi tiếng, mà không có cơ quan chức năng nào kiểm chứng, giám sát. Nói một cách hài hước như ông Sơn là “văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa”.

Nhìn ra thế giới, quyền của NTD và trách nhiệm của bên sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ được quy định rất rõ với các chế tài cụ thể và quyết liệt. Ngay cả giao dịch khó kiểm soát nhất là trên các nền tảng trực tuyến, như khi mua hàng trên Amazon, dù vẫn có nguy cơ mua phải hàng giả, kém chất lượng, song nếu khách hàng khiếu nại, tài khoản của người bán sẽ bị khóa vĩnh viễn, khách hàng sẽ được bồi hoàn. Song ở VN, trong đa số vụ việc, NTD sẽ phải chứng minh mình bị lừa và chờ đợi cơ quan chức năng xử lý.

Chưa kể, trong nhiều vụ việc, ngay cả khi có kết luận của cơ quan điều tra, doanh nghiệp bị khởi tố như vụ việc thuốc giả trị ung thư H-Capita, nhãn hàng pate Minh Chay..., những người dân đã sử dụng loại thuốc giả hay pate kém chất lượng, dù nguy hại đến sức khỏe nhưng không hề được đền bù thiệt hại.

Báo cáo thường niên của Bộ Công thương năm 2021 cho biết, tổng đài tư vấn hỗ trợ đã tiếp nhận và giải quyết hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh, tăng 17,6% so với 2020 và tăng tới 55% so với 2018. Báo cáo chưa cho biết tỷ lệ những phản ánh này được giải quyết và xử lý là bao nhiêu, song đây cũng là một tín hiệu vui cho thấy, NTD đang ngày càng thông thái hơn trong việc tự bảo vệ mình thay vì im lặng cho qua như trước đây.

Nhưng để NTD thực sự là “thượng đế”, vấn đề mấu chốt đặt ra với luật Bảo vệ NTD (sửa đổi) là phải khắc phục triệt để các bất cập hiện nay từ trách nhiệm của nhà nước đến các doanh nghiệp, người bán hàng. Tuy nhiên, như nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ tại phiên thảo luận tổ mới đây, các quy định đưa ra trong dự thảo luật vẫn còn “chung chung, chưa cụ thể, khó hiểu, khó áp dụng”, chưa thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi NTD. Đặc biệt, dự thảo cũng chưa đưa ra được những giải pháp và chế tài đủ mạnh, đủ răn đe để doanh nghiệp, người bán hàng “chùn tay”, không dám vi phạm.

Rõ ràng, cơ quan soạn thảo luật, mà ở đây là Bộ Công thương, còn rất nhiều điều phải tiếp thu, hoàn thiện, tránh tình trạng luật sửa xong, được thông qua mà quyền lợi NTD vẫn chưa được bảo vệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.