Quyết định của nhân dân cao hơn quyết định của các đại biểu Quốc hội nên Quốc hội không có thẩm quyền thay đổi kết quả trưng cầu ý dân. Nếu do khách quan phải thay đổi thì phải trưng cầu lại.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phát biểu thảo luận - Ảnh: TTXVN |
Đây là quan điểm được nhiều ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận sáng qua (12.11) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Trưng cầu ý dân.
Quốc hội không “thông qua lại” các vấn đề dân đã quyết
Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng quy định chưa cụ thể. “Nếu kết quả trưng cầu có hiệu lực, Nghị quyết của Ủy ban TVQH xác định có vị trí như thế nào so với hệ thống pháp luật của quốc gia? Trong trường hợp kết quả trưng cầu chưa phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật quốc gia, hiệu lực của kết quả này được thực hiện như thế nào?”, ông Vinh đặt vấn đề.
|
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị ghi rõ trong nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân có “giá trị pháp lý đặc biệt”, vì đây là việc nhân dân quyết định, cao hơn các quyết định của QH. “Dân đã quyết định rồi, nhưng do tình hình khách quan thay đổi, có thể phải xem xét, sửa đổi. Nhưng việc sửa đổi cũng phải được trưng cầu ý dân để sửa chứ QH không sửa được”, ông Hùng nói và đề nghị cần cân nhắc bổ sung ý này để “nếu như trong thực tế có xảy ra thì cũng có đường để thực hiện”.
ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) bày tỏ ủng hộ đề nghị bổ sung MTTQ trở thành một chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân, vì Hiến pháp quy định về MTTQ có chức năng phản biện, chức năng giám sát, chức năng đại diện, chức năng tập hợp đại đoàn kết toàn dân, "nhưng khi ra luật MTTQ thì các chức năng này rất lu mờ". “Có nói giám sát nhưng giám sát nhân dân, cơ chế xử lý xã hội giám sát thế nào không rõ, tính quyền lực của giám sát không rõ. Trong khi ở đây có một cơ hội để chúng ta có cơ chế để giải quyết đầu ra của công tác giám sát, của vấn đề đại diện, của phản biện. Đó là cơ chế về đề nghị trưng cầu ý dân thì chúng ta lại không chấp nhận, với một lý do là tính thống nhất pháp luật”, ĐB Lai bày tỏ.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định QH xác nhận kết quả trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Hiến pháp đã giao cho Ủy ban TVQH tổ chức trưng cầu ý dân nên Ủy ban TVQH phải chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình và kết quả. Bởi vậy, nghị quyết xác định của Ủy ban TVQH là đủ để bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của hoạt động này. Mặt khác, theo ông Lý, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định nên mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong đó bao gồm cả QH có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện kết quả. Do đó, không nên quy định việc QH xem xét, ra nghị quyết hoặc thông qua lại các nội dung đã được người dân bỏ phiếu tán thành.
240.000 tỉ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Với 88,26% ĐB tán thành, cùng ngày QH đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, với khoảng 240.000 tỉ đồng.
Theo đó trong giai đoạn 2016 - 2020, các chương trình mục tiêu quốc gia gồm có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mục tiêu cụ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới là đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong khi đó chương trình giảm nghèo bền vững được xác định mục tiêu cụ thể là góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0 -1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Về kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỉ đồng. Trong đó ngân sách T.Ư là 63.155,6 tỉ đồng, ngân sách địa phương 130.000 tỉ đồng. Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 46.161 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 41.449 tỉ đồng, ngân sách địa phương 4.712 tỉ đồng.
Tôn trọng quyền lập hội của công dân
Chiều 12.11, các ĐBQH đã nghe tờ trình của Chính phủ dự án luật về Hội và Báo cáo thẩm tra về dự thảo luật này. Theo dự thảo, nhà nước tôn trọng và đảm bảo công dân, tổ chức VN có quyền lập hội, nhưng nghiêm cấm cản trở, ép buộc, can thiệp vào việc thành lập tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng luật phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, hạn chế bao cấp, trông chờ ngân sách nhà nước. Về một số vấn đề Chính phủ xin ý kiến QH, trong đó người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại VN tham gia lập hội, báo cáo thẩm tra khẳng định, nhiều ý kiến tán thành cho phép người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại VN được tham gia hội trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề này cần được quy định ngay trong luật mà không giao Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng đây là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ, phải làm rõ người nước ngoài được tham gia hội của công dân VN hay chỉ tham gia hội của người nước ngoài được thành lập tại VN.
Cũng trong buổi chiều, QH đã thảo luận ở hội trường về dự án luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Anh Vũ
|
Bình luận (0)