Tránh ‘hành chính hóa’ hoạt động hội

16/10/2015 05:37 GMT+7

Luật về hội phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội.

Luật về hội phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội.

Đây là quan điểm của Ủy ban Pháp luật đưa ra tại báo cáo thẩm tra trình bày tại phiên thảo luận hôm qua (15.10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án luật về hội. Trên quan điểm này, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bãi nhiệm người đại diện pháp luật của hội, do quan hệ giữa hai chủ thể không phải là quan hệ hành chính. Quy định này đồng thời mâu thuẫn với nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của hội.
Đối với hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ...), Chính phủ đề nghị không áp dụng luật này vì các hội này không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật. Đồng tình với quan điểm này nhưng Ủy ban Pháp luật cho rằng hiện có nhiều tổ chức đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về hội, tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc của hội nhưng không đăng ký do đó không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành về hội.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật phải làm rõ việc cho thành lập hoặc công nhận các hội, tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước hoặc ngoài nước. Với những hội mang tính chất câu lạc bộ, giao lưu gặp gỡ thì nên để hoạt động tự do theo tinh thần Hiến pháp. “Còn ra luật chỉ để quản lý, hạn chế thì còn đâu để người ta tự do lập hội?", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Thảo luận về dự luật này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại QH) đề nghị làm rõ cơ sở quy định cho việc thành lập hội phải có ít nhất 10 người (cấp xã), 20 người (cấp huyện), 50 người (cấp tỉnh), 100 người (cấp liên tỉnh và trung ương). Theo đại biểu Cương, quy định này là không phù hợp thực tiễn do nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp sẽ khó có đủ số lượng hội viên để thành lập hội. Ông dẫn chứng so sánh các tổ chức công đoàn cơ sở quy định chỉ 5 công đoàn viên, hoặc đoàn luật sư cấp tỉnh có 3 người cũng đã có thể thành lập. Đại biểu Cương cũng nêu ra thực tế nhiều cán bộ, công chức nhà nước nhưng đồng thời cũng tham gia các NGO, trong đó có cả các NGO thuộc các cơ quan của Chính phủ. “Quy định như thế nào với vấn đề này cũng như việc cán bộ, công chức có được thành lập hội hay không”, ông Cương đặt câu hỏi.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đã là cán bộ, công chức tham gia trong hệ thống chính trị, nhà nước thì không được làm thành viên của các hội, các NGO. Theo ông, “đã làm trong cơ quan nhà nước phải nhà nước thuần túy" nhưng cán bộ, công chức vẫn có thể làm cộng tác viên cho các NGO hoặc tham gia các tổ chức này sau khi nghỉ hưu.
Kết quả trưng cầu ý dân phải được Quốc hội xác nhận
Tại phiên họp cùng ngày, ông Phan Trung Lý cho biết Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy trình QH xác nhận kết quả trưng cầu ý dân. Theo đó, QH họp, xem xét báo cáo tổng kết cuộc trưng cầu ý dân do UBTVQH trình và ra nghị quyết xác nhận, chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày bỏ phiếu. Như vậy, quy trình bắt đầu từ khi QH quyết định việc trưng cầu ý dân và kết thúc khi QH ra nghị quyết xác nhận kết quả. Kết quả có hiệu lực kể từ ngày nghị quyết của QH được công bố.
Về những vấn đề QH quyết định trưng cầu ý dân, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý lại quy định theo hướng trên cơ sở đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền, QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp, các nguyên tắc cơ bản của nhà nước và nền dân chủ XHCN.
Ngoài ra, theo ông Phan Trung Lý hình thức bỏ phiếu điện tử chưa được đưa vào dự luật Trưng cầu ý dân, vì trong điều kiện hiện nay dự luật quy định cử tri biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.