Quyết liệt chặn đà giảm tốc của đầu tàu TP.HCM

17/04/2023 06:26 GMT+7

Buổi làm việc giữa đoàn công tác của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sáng 16.4 kéo dài gần 5 giờ làm việc, từ 8 - 13 giờ.

Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từng bộ, ngành chung tay quyết liệt giải quyết từng khó khăn, tháo gỡ từng vướng mắc để TP.HCM vực dậy kinh tế sau kết quả tăng trưởng giảm sâu trong quý 1.

Quyết liệt chặn đà giảm tốc của đầu tàu TP.HCM - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.HCM tìm hướng giải pháp để phục hồi KT-XH, xây dựng không gian phát triển mới

TTXVN

Động lực mới, không gian phát triển mới chưa được xây dựng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh TP.HCM là đầu tàu của cả nước, cả về đóng góp GDP, đóng góp ngân sách cũng như những tác động vô hình tới toàn bộ nền kinh tế. TP phát triển tốt thì cả nước sẽ nhận tác động lan tỏa; TP gặp khó khăn, cả nước cũng bị ảnh hưởng rất mạnh. Thủ tướng nhận định TP.HCM nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn sau 2 năm gồng mình đẩy lùi dịch bệnh. Hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn rất lớn, không phải ngày một, ngày hai có thể khắc phục được.

Trong khi đó, kinh tế khu vực và thế giới đang trên đà suy giảm. Chính sách tiền tệ thay đổi, chủ trương tăng lãi suất của các nước cũng ảnh hưởng khiến tiền đồng mất giá, gây nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề xử lý bài toán tỷ giá và lãi suất. Song song, vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp tới giá nguyên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước. Đặc biệt, Trung Quốc đã mở cửa kinh tế sau thời gian thực hiện chính sách "zero Covid", một mặt mang tới nhiều thuận lợi nhưng một mặt cũng cạnh tranh lớn với kinh tế Việt Nam về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

"TP.HCM cần phân tích kỹ, xử lý từng yếu tố tác động tới nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như kinh tế TP.HCM nói riêng. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách, nhiều nghị quyết, nghị định, thông tư, tháo gỡ nhiều nút thắt về pháp lý nhưng đã vào tới TP.HCM chưa? Vào đến đâu rồi? Mức độ thế nào? Quá trình vận hành, áp dụng các chính sách còn vướng mắc gì, cần bổ sung gì không? Phối hợp giữa TP.HCM với Chính phủ, với các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm cái gì, thúc đẩy cái gì để tốt hơn? Trước tình hình như vậy, cần có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả. Cần tìm lời giải theo phương châm như vậy", Thủ tướng Phạm Minh Chính "đặt đề bài".

12 nhiệm vụ, giải pháp của TP.HCM

TP.HCM đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH thời gian tới. Trong đó, tập tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN; Tập trung giải quyết những nhóm việc trễ hạn của quý 1, kiên quyết không để việc trễ hạn nhiệm vụ của quý 1, quý 2 chuyển qua quý 3. Đồng thời, triển khai chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết kết quả phát triển KT-XH quý 1 chưa đạt như mong muốn, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn. Những động lực tăng trưởng của TP vốn đã suy giảm trong nhiều năm qua lại bị thách thức, bào mòn sau đại dịch. Cùng với đó, những vướng mắc cũ phát sinh trong và sau dịch chưa được giải quyết triệt để; những động lực mới, không gian phát triển mới chưa được xây dựng và phát huy.

"Tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế có phần giảm sút. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập. Quy hoạch quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện. Qua đánh giá tình hình trước mắt, TP.HCM chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu đạt được tăng trưởng cao nhất có thể trong năm", người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhận định.

Quyết liệt chặn đà giảm tốc của đầu tàu TP.HCM - Ảnh 2.

Thủ tướng chỉ đạo nhanh chóng gỡ các điểm nghẽn cho các dự án tại TP.HCM

NHẬT THỊNH

Báo động tình trạng cán bộ "3 không"

Bên cạnh các yếu tố tác động khách quan, ông Phan Văn Mãi cũng lo ngại một trong những yếu tố khiến kinh tế TP giảm sâu là do có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thẳng thắn thừa nhận giai đoạn chống dịch, chúng ta nhìn thấy một TP.HCM lăn xả, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh. Khi hết dịch, ta thấy nỗ lực phấn đấu phi thường tạo nên kết quả vực dậy kinh tế quan trọng trong năm 2022. Thế nhưng, khi kinh tế sụt giảm cũng là lúc nhìn thấy rõ nét sự chậm trễ, tồn đọng, yếu kém, trì trệ của bộ máy.

Giải quyết ngay 29 kiến nghị của TP.HCM

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành trả lời, cho ý kiến với 29 đề xuất, kiến nghị của TP.HCM. Trong đó, có 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành.

Đơn cử, các đề xuất liên quan đến việc xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mở rộng đoạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, làm Vành đai 4 TP.HCM… đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trực tiếp giải quyết và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, "chốt" ngay phương án tại cuộc họp. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân đồng ý chủ trương gỡ khó cho nguồn vật liệu phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP.HCM theo đề xuất của UBND TP.

Liên quan tới kiến nghị của TP.HCM về nguồn vốn mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức sắp hoàn thành phần xây dựng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế sẽ cùng Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc triển khai Nghị quyết 30, Nghị định 07 trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế. Đồng thời, đề nghị TP.HCM xác định định mức trang thiết bị của từng bệnh viện, rà soát các thiết bị hiện có, phê duyệt dự án cụ thể để triển khai.

Về kiến nghị gỡ vướng cho dự án BĐS liên quan đến các khu đất của DN nhà nước đã cổ phần hóa, Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn hướng dẫn TP.HCM rà soát vướng mắc từng dự án trên địa bàn để đề xuất với bộ, ngành có ý kiến để tham mưu với Thủ tướng đề xuất giải pháp. Thủ tướng cho biết tổ công tác của Thủ tướng đã có báo cáo về kết quả kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh, TP. Đối với các dự án có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án của tòa án nhưng sau đó có những vướng mắc không giải quyết được, Chính phủ đang xin Bộ Chính trị chủ trương, từ đó thể chế hóa cơ chế giải quyết…

"Chưa bao giờ kinh tế TP.HCM trải qua giai đoạn khó khăn như bây giờ. Tổng kết Nghị quyết 16 cho thấy trong 10 năm phát triển, đà tăng trưởng của TP chậm dần, đầu tàu đang mất đà. Nghị quyết 11 đã đưa ra 3 khâu đột phá KT-XH cho TP gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực, song nhìn lại, 3 khâu đột phá giờ lại trở thành 3 điểm nghẽn. Đặc biệt, nguồn nhân lực đang quá tải trầm trọng. Đây là điểm nghẽn mà TP sẽ khắc phục, dứt khoát phải khắc phục. Ai chậm trễ, ai yếu kém, ai trì trệ, ai không dám làm sẽ phải báo cáo để thay đổi "cầu thủ", thậm chí "huấn luyện viên" nếu kém cũng phải đổi luôn", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, vấn đề lớn nhất của TP.HCM hiện nay là làm sao giải phóng được tư tưởng cho cán bộ lãnh đạo và những người thực thi. Ông nhận định một bộ phận cán bộ hiện nay đang có tư tưởng "3 không": không nói, không tham mưu đề xuất và không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng. Muốn khắc phục tình trạng này, không chỉ quyết liệt trên chủ trương mà phải bằng cơ chế, quy định, tạo môi trường an toàn cho cán bộ. Công tác cán bộ mang tính chất quyết định bởi sẽ tác động trực tiếp tới những yếu tố chủ chốt giúp TP.HCM có thể tăng tốc vực dậy kinh tế trong quý 2. Đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và chú trọng phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ.

"Hoạt động kinh doanh chưa ổn định sẽ dẫn tới khủng hoảng lao động. Chưa bao giờ khu vực miền Tây có tỷ lệ thất nghiệp cao như trong quý 1 năm nay, tới 2,64%, so với bình quân cả nước là 2,22%. Rõ ràng, lực lượng lao động của TP.HCM và vùng Đông Nam bộ đã trở về miền Tây và không trở lại. Đây là vấn đề rất lớn. TP.HCM cần tập trung ổn định sản xuất kinh doanh, tạo thị trường lao động ổn định để giải quyết bài toán này. Công tác cán bộ phải được rà soát, chấn chỉnh để tạo xung lực mới, động lực mới. Cán bộ cứ như hiện nay thì sẽ rất khó để có thay đổi mạnh", ông Đào Ngọc Dung nhận xét.

Quyết liệt chặn đà giảm tốc của đầu tàu TP.HCM - Ảnh 4.

Đồ họa: Bảo nguyễn

Tập trung vực dậy 3 trụ cột tăng trưởng

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ đặc biệt với TP trong các vấn đề xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch, cung tiền cho DN. Đồng thời, gỡ vướng chính sách, thủ tục và nguồn vốn để TP nhanh chóng triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 4...

Liên quan đến các kiến nghị của TP.HCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng góp ý TP cần quan tâm, tập trung các giải pháp xúc tiến thương mại vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm, đơn hàng của DN giảm thì kể cả NHNN có giảm lãi suất về mức rất thấp thì cũng chưa chắc DN đã muốn vay để mở rộng đầu tư. 

"Kinh tế mới tổng kết quý 1 nên dòng tín dụng không bị giới hạn bởi room tín dụng và hiện nay, thanh khoản của ngân hàng khá dồi dào. Các kênh của NHNN cũng đang tích cực đưa tiền ra. Vậy vấn đề có phải thiếu vốn không hay do sức hấp thụ vốn của DN và người dân? DN xuất khẩu giảm, không có đầu ra thì họ không vay tiền làm gì? Vì thế, hiện nay chỉ có cách tập trung kích cầu, thương mại, đẩy thật mạnh các ngành thương mại dịch vụ", bà Hồng dẫn chứng.


Quyết liệt chặn đà giảm tốc của đầu tàu TP.HCM - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 16.4

TTXVN

Bộ nào không dám quyết, Chính phủ quyết

Đầu tàu kinh tế là cực tăng trưởng quốc gia. Năm 2022, TP.HCM đóng góp 15,6% GDP, đứng đầu cả nước; thu ngân sách chiếm gần 30% cả nước; vốn đầu tư và xuất khẩu đều đứng đầu cả nước… Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế và cơ hội nổi trội, TP.HCM có đầy đủ yếu tố để tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành TP văn minh, hiện đại, động lực tăng trưởng quan trọng cho vùng và cả nước. Chính phủ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình cảm với TP.HCM, ngược lại, cũng cảm ơn TP.HCM đã chia sẻ tinh thần trách nhiệm với Chính phủ, với người dân cả nước. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, từng bộ, ngành phải cùng chung tay gỡ khó, giải quyết các vấn đề thách thức trên cơ sở đề xuất của TP.HCM. Đề xuất nào bộ không dám quyết thì Chính phủ quyết, không lằng nhằng, không chờ đợi. Tinh thần chung là cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước!

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Cũng theo Thống đốc NHNN, đến hết tháng 3, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng trưởng 2,6% so với cuối năm. Trong đó, tín dụng bất động sản (BĐS) ước tăng khoảng trên 3%. Tuy nhiên, tín dụng tại TP.HCM chỉ tăng 1,25%, bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành kinh tế, tín dụng BĐS chỉ tăng 0,71%. Đây là bức tranh ngược so với nền kinh tế. "Rõ ràng, cơ chế chính sách thanh khoản của hệ thống như nhau nhưng tại sao TP.HCM lại chậm như vậy? Hơn 70% khó khăn của ngành BĐS là do vấn đề về pháp lý, chính sách. Tháo gỡ được chính sách cho BĐS thì cấu phần này của TP.HCM sẽ tự động tăng lên", bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Khả năng hấp thụ vốn cũng là một trong những vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý khi kết luận cuộc họp. Thủ tướng ví von: bác sĩ khám ra bệnh rồi, kê đơn rồi, bốc thuốc rồi nhưng bệnh nhân chưa uống hoặc uống chưa đủ liều thì sẽ không thể khỏi bệnh. Chưa kể, bối cảnh hiện nay giải ngân đầu tư công còn hạn chế. Đầu tư công chưa đẩy được nên vai trò dẫn dắt đầu tư tư nhân chưa mạnh được. Cần nhanh chóng giải ngân đầu tư công, giải quyết vướng mắc tiếp cận vốn của lực lượng DN tư nhân, xử lý các vấn đề pháp lý cho các dự án BĐS để khơi thông khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

"Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu là 3 động lực tăng trưởng mà TP.HCM phải tập trung thúc đẩy trong giai đoạn tới. Để làm được điều này, các bộ, ngành phải tích cực hỗ trợ TP.HCM trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, trước hết là công tác quy hoạch. Xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn; các giải pháp giãn nợ, hoãn nợ, giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí… Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững; đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BĐS cụ thể. Đồng thời, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh, đền bù, tái định cư, nhất là các dự án giao thông. Làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám nhận trách nhiệm vì mục tiêu tăng trưởng chung. Thành lập ngay Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN", người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo chi tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.