Mới đây, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện quyết tâm giải bài toán này với chỉ đạo sau 8 năm nữa, khu vực nội ô của Đà Lạt phải không còn nhà kính.
Nhà kính bắt đầu xuất hiện ở Đà Lạt từ những năm 90 của thế kỷ trước, chủ yếu để trồng rau, hoa. Thực tiễn chứng minh hiệu quả sản xuất mang lại khá cao, tùy mô hình doanh thu có thể đạt từ 350 triệu - 10 tỉ đồng/ha/năm. Chính vì vậy, nhà kính ở Đà Lạt gia tăng với tốc độ “chóng mặt”, từ vài chục héc ta ban đầu, đến nay đã lên 2.693 ha (chiếm khoảng 59% diện tích nhà kính toàn tỉnh) trên tổng số 10.500 ha đất canh tác toàn TP.
Hệ quả là Đà Lạt có 12 phường, 4 xã và vào thời điểm này, nếu dạo quanh TP, ai cũng thấy nhà kính được người dân làm ngay trong khu vực nội đô. Đặc biệt, ở phường 12, tỷ lệ diện tích nhà kính chiếm đến 83,7% diện tích canh tác, các phường 5, 7, 8 là trên 60%. Do không có quy hoạch nên hầu hết nhà kính được làm tự phát, xây dựng tràn lan ở mọi nơi, mọi địa hình mà không quan tâm đến tác động về cảnh quan, môi trường sinh thái của “thành phố hoa”.
Như điều tất nhiên, những hậu quả tiêu cực của việc phát triển “nóng” nhà kính đã xuất hiện nhãn tiền: cảnh quan môi trường bị biến dạng, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, gây ngập cục bộ vào mùa mưa, làm tăng hiệu ứng nhà kính cục bộ…
Nhiều năm qua chính quyền, các ngành chức năng TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng luôn tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu diện tích nhà kính, nhưng vẫn mãi không thực hiện được. Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo giao ngành chức năng, địa phương phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, làm rõ giảm diện tích nhà kính hằng năm để đến năm 2030, các phường tại TP.Đà Lạt không còn nhà kính.
Dẹp được nhà kính ở nội ô, trả lại sự mộng mơ, quyến rũ và bảo vệ môi trường cho Đà Lạt là chủ trương đúng, được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều băn khoăn về tác động đối với kinh tế, đời sống trong bối cảnh nhà kính được nhiều người xem là phương thức sản xuất hữu hiệu. Hơn nữa, việc đầu tư nhà kính rất tốn kém (từ 1 - 5 tỉ đồng/ha) nên khó có ai tự nguyện phá bỏ, chỉ khi nhà nước cho chuyển mục đích sử dụng đất. Ngành chức năng muốn giải tỏa cũng khó bởi không có căn cứ, quy định pháp lý rõ ràng, trừ những diện tích vi phạm hành lang giao thông, thủy lợi, trên đất lâm nghiệp.
Vì thế, xóa bỏ nhà kính vùng nội ô Đà Lạt là vấn đề rất cần thiết nhưng cũng cần phải làm sao để đảm bảo sinh kế cho người dân trong vùng tác động là vấn đề cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể. Ngoài giải pháp tuyên truyền, vận động, cần có giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ, giải pháp về vốn để chuyển đổi sản xuất trong nhà kính sang canh tác ngoài trời gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Trước mắt, cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nhà kính; xây dựng quy chế quản lý nhà kính trên địa bàn, quy định rõ vùng nào được làm nhà kính, mật độ, chiều cao, quy định tiêu chuẩn, kỹ thuật, tỷ lệ cây xanh và đưa ra mô hình nhà kính đạt chuẩn để người dân áp dụng. Làm sao để hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường, đảm bảo mỹ quan, cho tồn tại nhà kính đạt chuẩn ở nơi phù hợp trước khi hướng tới xóa bỏ hoàn toàn.
Bình luận (0)