Dù còn gần 1 năm nữa mới tới thời điểm mức lương mới được áp dụng nếu như Quốc hội đồng ý thông qua, và theo phương án mà Chính phủ trình, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng, tức thêm khoảng 310.000 đồng/tháng; song suốt từ đầu tháng 10 tới nay, thông tin tăng lương luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân.
Sự sốt sắng của người dân với thông tin tăng lương là điều dễ hiểu. Giá xăng tăng, học phí tăng, giá dịch vụ, thực phẩm cũng tăng, chỉ lương của công chức, viên chức không hề “động đậy” suốt 3 năm qua. Lần gần đây nhất Chính phủ trình và Quốc hội bàn chuyện tăng lương là năm 2018, quyết định tăng lương cơ sở lên mức 1,49 triệu đồng, thực hiện từ 2019.
Đề xuất tăng lương cũng là một nỗ lực lớn đối với ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của đất nước vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ước tính khoản chi tăng thêm trong năm 2023 để đảm bảo cho phương án tăng lương, tăng phụ cấp với nhân viên y tế mà Chính phủ trình lên tới 60.000 tỉ đồng.
Thế nhưng, lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng nếu được Quốc hội thông qua, có lẽ vẫn chưa theo kịp tình hình tăng giá trong 3 năm vừa qua. Mức lương cơ sở cho khu vực công vẫn đang thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng hiện áp dụng cho khu vực tư nhân (từ 3,25 triệu - 4,68 triệu đồng, năm 2022, tùy vùng).
Tiền lương, thu nhập thấp đang là nguyên nhân chính khiến nhân lực rời bỏ khu vực nhà nước để chuyển sang khu vực tư nhân. Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào sáng 20.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận tiền lương thu nhập thấp làm xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc.
Nhưng hệ quả của mức lương dưới mức trung bình chung của xã hội không chỉ là sự “chảy máu” nhân lực khu vực công, khi những người “dứt áo ra đi” là những người có năng lực hơn. Mức tiền lương quá thấp sẽ đẩy cán bộ, công chức, viên chức vào chỗ “vận dụng” các quyền lực công được giao để tăng thêm thu nhập. Đó chính là nguồn cơn của tham nhũng, tiêu cực và nó có thể xảy ra ở bất cứ lĩnh vực nào.
Cải cách tiền lương đã được T.Ư Đảng quyết định thực hiện từ năm 2021, song tới nay vẫn chưa biết khi nào có thể triển khai dù ai cũng biết, một mức lương tương xứng với vị trí việc làm là cách tốt nhất để trả tiền lương của công chức, viên chức, người lao động về “giá trị thật” của nó thay vì mức lương thấp kèm theo các loại phụ cấp, đặc thù.
Khó khăn của ngân sách là điều có thể hiểu được khi số lượng người hưởng lương là rất lớn. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia đã khuyến nghị, giải pháp tốt nhất lúc này là ưu tiên tập trung cải cách tiền lương cho 2 nhóm đối tượng là cán bộ, công chức đang làm việc để giữ chân và thu hút người có năng lực cho nhà nước. Những người có năng lực, những người không chấp nhận việc lạm dụng quyền lực công để có thêm thu nhập cũng không thể ngồi chờ mỗi kỳ họp Quốc hội để hỏi nhau: Bao giờ tăng lương?
Bình luận (0)