Như Thanh Niên thông tin, Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường giao các sở: KH-ĐT, Tư pháp, Nội vụ và UBND Q.1 khẩn trương thực hiện kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đối với dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Khu vực này giới hạn bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi và Trần Đình Xu thuộc P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1), thường gọi là khu Mả Lạng, rộng 6,8 ha.
Năm 2000, UBND TP.HCM chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang khu Mả Lạng. Đến năm 2006, TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH sản xuất kinh doanh - xuất nhập khẩu Bình Minh (nay là Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư dự án. Đến năm 2017, UBND Q.1 đã đo đạc, kiểm đếm và ban hành 1.424 thông báo thu hồi đất đối với các thửa đất trong phạm vi dự án nói trên. Do dự án kéo dài, người dân bức xúc vì ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện việc giao dịch dân sự, xin cấp giấy phép xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà...
Thu hồi dự án khu Mả Lạng: Sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân
Tháng 2.2023, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã họp nghe báo cáo về thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư dự án này. Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM giao UBND TP.HCM chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu văn bản UBND TP.HCM trả lời cho nhà đầu tư không có cơ sở xem xét tiếp tục thực hiện dự án khu Mả Lạng và tạm dừng dự án trên khu đất Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (số 125 Lê Lợi, Q.1). Đồng thời, tham mưu dự thảo công văn của UBND TP.HCM gửi Bộ KH-ĐT và Văn phòng Chính phủ về nội dung trên.
UBND Q.1 xem xét thu hồi thông báo thu hồi đất và các văn bản có liên quan đến thu hồi đất tại khu Mả Lạng. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì lấy ý kiến Sở TN-MT và Sở Tư pháp để thực hiện. Ngoài ra, Sở KH-ĐT tham mưu UBND TP.HCM thành lập tổ công tác rà soát thực hiện dự án khu Mả Lạng và dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học.
Lãng phí tiền của, công sức của dân
Không chỉ khu Mả Lạng mà khắp cả nước, dự án treo rất nhiều, người dân sống ở khu vực này nhà cửa xuống cấp cũng không sửa chữa được, không được xây dựng, không được chuyển nhượng..., ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ. "Thời gian 23 năm là gần nửa đời người! Theo cá nhân tôi thấy hiện nay phải quy định dự án nào quy hoạch quá 3 năm không triển khai thì thu hồi ngay lập tức. Không thể lãng phí tiền của, công sức của dân nữa", bạn đọc (BĐ) Quang Nguyen bức xúc.
Tương tự, BĐ C.T ý kiến: "Dự án treo mấy chục năm, dân chịu biết bao nhiêu khổ sở, phiền hà, giờ phải thu hồi dự án. Vậy nhưng chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm cả".
"Dự án thì không triển khai mà cũng không xóa, cứ treo lơ lửng như vậy. Người dân có đất mà không xây dựng được, không cho sửa chữa, đường thì hư, cống thoát nước thì không có, mỗi lần mưa là chìm trong biển nước, thiệt hại từ vật chất đến tính mạng con người. Người dân quá khổ phải sống trong cảnh này... Đề nghị các cấp lãnh đạo cần phải nhanh chóng đưa ra phương án, để cho nhân dân bớt chịu cảnh gian nan như vậy nữa...", BĐ Tony Lê thẳng thắn.
Sớm "cởi trói" cho toàn bộ dự án treo
Nhiều BĐ đề nghị các cấp lãnh đạo có sự chỉ đạo quyết liệt xóa bỏ quy hoạch treo, quy hoạch không thực hiện được ảnh hưởng quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch. "Cả nước hiện nay có hàng ngàn dự án treo kéo dài thời gian như vậy. Gây lãng phí hàng trăm ngàn tỉ đồng, gây khó khăn cho đời sống người dân nằm trong khu vực. Nhưng lại không có ai phải đứng ra chịu trách nhiệm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm và dứt điểm các dự án treo", BĐ Thanh Nguyễn đề nghị.
Cùng quan điểm, BĐ Truong Sa Viet ý kiến: "Quy rõ trách nhiệm cụ thể cho ai, cơ quan, ban, ngành rồi xử lý nghiêm minh thì dân bớt khổ thôi. Hiện còn nhiều nơi có dự án treo như vậy lắm, rất mong các cấp lãnh đạo xử lý dứt điểm".
"Mong rằng sau này nếu có quy hoạch, làm dự án gì đó thì nên chọn những nhà đầu tư có uy tín, mạnh về tiền bạc, hạn chế những kẻ mượn đầu heo nấu cháo. Còn về cán bộ quy hoạch cũng phải cam kết về quyết định của mình. Tránh tư duy theo nhiệm kỳ, khi được đắc cử muốn làm gì thì làm. Về thời gian thì chỉ cần trong 3 năm nếu không triển khai được thì thu hồi ngay, giao cho người khác làm...", BĐ Kate đề nghị.
BĐ Tran Huy ý kiến: "Nên chăng các dự án quy hoạch treo khác cũng nên xóa, thay vào đó đầu tư hạ tầng chỉnh trang và quản lý quy hoạch bài bản từ đó sẽ thu được nhiều nguồn ngân sách cho đất nước còn hơn cứ để trống đất chờ quy hoạch treo để chờ thời lợi ích cục bộ cho một số bộ phận".
Bình luận (0)