'Thu hồi đất cho dự án không khéo lấy đất người nghèo cho người giàu'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/03/2023 14:58 GMT+7

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, việc thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội không khéo thành lấy đất của người nghèo cho người giàu.

Cá nhân, tổ chức giàu lên nhờ đất đai một cách thiếu minh bạch

Sáng 9.3, Trường đại học Luật Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Hòa bình - phát triển Việt Nam, Viện nghiên cứu lập pháp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, việc thu hồi đất không khéo là lấy đất của người nghèo cho người giàu.

'Thu hồi đất cho dự án không khéo lấy đất người nghèo cho người giàu' - Ảnh 1.

Hội thảo góp ý luật Đất đai sửa đổi được tổ chức tại Trường đại học Luật Hà Nội sáng 9.3

GIA HÂN

Đề dẫn hội thảo, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, công tác quản lý sử dụng đất tới nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Dẫn chứng hạn chế ở nhiều khâu, từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiếp cận đất đai, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho tới tài chính đất đai, giá đất, ông Cường cho rằng, hậu quả là nguồn lực đất đai chưa phát huy đầy đủ, bền vững, khiếu nại tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhiều, trong khi việc xử lý còn hạn chế, chưa thuyết phục.

"Có những cá nhân, tổ chức giàu lên nhờ đất đai một cách thiếu minh bạch, không thuyết phục. Ngược lại, hàng vạn người thậm chí hàng triệu người, khánh kiệt vì đất đai mà đa phần là người bình thường", ông Cường nói.

Theo ông Cường, nguyên nhân của thực trạng phức tạp trong quan hệ đất đai trước hết là do những bất cập trong bản thân luật Đất đai cũng như các quy định chi tiết luật này. Do đó luật Đất đai đến nay cần phải được sửa đổi để khắc phục nhằm phát huy nguồn lực đất đai, giảm thiểu khiếu kiện, bức xúc.

Góp ý về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, các quy định trong dự thảo luật chưa rõ, dễ xảy ra sự tùy tiện.

"Có người gọi điện cho tôi nói một câu mà mình phải tính: ngày xưa cải cách ruộng đất lấy đất người giàu chia cho người nghèo. Bây giờ thu hồi đất cho dự án không khéo lấy của người nghèo cho người giàu", ông Liên nói, đề nghị phải hết sức coi trọng quy định về vấn đề này, rà soát thật kỹ thủ tục, trình tự, không thể để chung chung.

"Một mảnh đất nằm ở 2 dự án đã chênh lệch khủng khiếp"

Giá đất và phương án đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

'Thu hồi đất cho dự án không khéo lấy đất người nghèo cho người giàu' - Ảnh 2.

Ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp

GIA HÂN

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, đề nghị dự thảo luật phải làm rõ được các khái niệm liên quan tới giá đất như giá đất phổ biến trên thị trường, giá đất chuẩn, thửa đất chuẩn hay giá đất cụ thể. "Thế nào là phổ biến, thế nào là chuẩn, hay giá đất cụ thể là cái gì đều cần phải làm rõ", ông Lực nêu.

Ông Lực cũng kiến nghị nên áp dụng cơ chế nếu 80% người dân đồng thuận phương án bồi thường thì nhà nước có thể cưỡng chế thu hồi 20% còn lại. "Nhiều khi nhân văn quan trọng nhưng có đối tượng rất khó, chống đối, chây ì, "chí phèo" thì làm thế nào? Cần ngưỡng tỷ lệ phần trăm để cưỡng chế", ông Lực nêu.

Cho rằng nếu giải quyết được giá đất thì giải quyết được 70% vướng mắc trong thực tiễn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân dẫn thực tế có gia đình có một miếng đất nhưng lại nằm ở 2 dự án khác nhau.

"Dự án mà thu hồi như Bắc Ninh chúng tôi chỉ 158 triệu/sào (khoảng 360 m2). Còn dự án thỏa thuận thì 1 triệu đồng/m2 người ta cũng không nghe. Lợi ích cùng một gia đình trong 2 dự án khác nhau đã khủng khiếp như thế rồi thì làm sao?", bà Vân nêu thực tế.

Về đề xuất cơ chế 80% người dân thu hồi đất đồng thuận với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thì nhà nước sẽ thu hồi 20% còn lại, giao đất cho doanh nghiệp, bà Vân cũng cho rằng "rất là hay, rất là tốt nhưng không thực hiện được đâu, ngàn đời cũng không được".

"Nhà tôi đây, bố tôi có dự án làm giáo dục, thế nhưng đền bù bằng giá tương đương dịch vụ, cũng được 60 - 70% rồi nhưng số còn lại người ta không nhận, không cần tiền, cũng không làm thế nào được", bà Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Vân cho rằng, cơ chế này còn tạo ra "tiền lệ xấu". "Vì muốn đủ 80% người dân đồng thuận để còn lại 20% thì cưỡng chế, doanh nghiệp lại đi cửa sau, cho anh này thêm mấy trăm, anh kia thêm mấy trăm, thế là nó loạn giá. Thành ra con ngoan thì thiệt còn con hư thì lại lợi. Rất là phức tạp", bà Vân nhấn mạnh.

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ 3.1 - 15.3. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần 2 đối với dự án luật này tại kỳ họp tháng 5 tới và thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.