Ra đi với ước vọng sầu riêng

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
04/09/2022 19:06 GMT+7

Sầu riêng ở Đắk Lắk với 20.000 ha đang được canh tác và nuôi mộng xuất khẩu, đã có công đóng góp rất lớn từ một doanh nhân ở Long Khánh, Đồng Nai: ông Cường Dona, giám đốc công ty phát triển công nghệ sinh học Dona Techno.

Tiếc thay, giữa cuộc hội thảo hôm 2.9 ở H.Krông Pắc, Đắk Lắk, trong khuôn khổ lễ hội sầu riêng 2022, tham dự với vai trò là người tạo ra giống sầu riêng Dona nổi tiếng, ông Nguyễn Phú Cường đã đột ngột ra đi.

Hoa sầu riêng Dona nở trong vườn Long Khánh

Trần thanh bình

Thập niên 1990 ở H.Long Khánh, cái tên Dona Techno cũng như khuôn viên nhà máy chế biến công nghệ sinh học chỉ là một khoảnh đất khiêm tốn. Ngày ngày, đi dạy học về qua đó, tôi thường nhìn qua cổng nhà máy và luôn tự hỏi: Nơi này sản xuất, chế biến và phân phối hàng hóa gì mà luôn cổng đóng then cài. Tôi cũng chưa một lần bước chân vào đó và cũng chưa hề biết mặt ông Nguyễn Phú Cường, song cái tên sầu riêng Dona mà bà con trồng ở trong các rẫy vườn ở Long Khánh thì tôi không ít lần nếm qua, trong khi vẫn nghe nhiều câu nhắc nhở về “ông Cường Dona” một cách quý trọng.

Dona cùng với giống sầu riêng Ri6 (do ông Sáu Ri - Nguyễn Minh Châu, một lão nông miền Tây tạo ra), từ sau năm 2000, đã hầu như chiếm cứ hết các vườn cây ở miền Đông và Tây Nam bộ rồi phát triển lên cao nguyên, cạnh tranh với các loại giống sầu riêng Thái Lan bằng một giống thuần Việt, có sức hút khó cưỡng về khả năng chịu đựng, năng suất, sản lượng, mùi vị… với các nhà vườn khi cân nhắc trồng trọt.

Cây sầu riêng Dona trĩu quả ở Long Khánh

Trần thanh bình

Không thể nào không ghi nhận rằng, việc ký cam kết phát triển 24 dự án ở H.Krông Pắc với trị giá lên đến hơn 11.000 tỉ đồng trong khuôn khổ lễ hội sầu riêng vừa qua, cho thấy một triển vọng to lớn để phát triển cây sầu riêng trên vùng đất bazan màu mỡ này. Nếu như biết rằng, việc mở rộng cửa xuất khẩu chính ngạch, thay vì tiểu ngạch như trước đây, của các giống trái cây như xoài, sầu riêng, dứa qua thị trường Trung Quốc đang mở ra một cánh cửa rất lớn cho nông dân và các nhà làm dịch vụ xuất khẩu nông sản, thì sự hy vọng ấy càng nhân lên gấp bội.

Ngoài các thị trường châu Âu, châu Mỹ xa xôi, một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật… cũng đang là hướng nhắm đến ngày càng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu trái cây nói riêng và nông sản nói chung, thu về một lượng ngoại tệ ngày càng lớn cho quốc gia.

Voi thồ sầu riêng xuống phố trong lễ hội sầu riêng tại Đắk Lắk

H.b

Vì thế,trọng trách về việc cung cấp giống mới và giống lai tạo cho nông dân ở các vùng đất bạt ngàn cây trái của những người nghiên cứu như ông Cường không chỉ cho sự phát triển trong hơn 20 năm qua, mà còn kích thích việc đầu tư trí tuệ, tâm sức của nhiều thế hệ sau này khi đứng chân trên đất nước mình, một đất nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp, để không thua kém các quốc gia láng giềng và nhất là chuyển đổi đời sống theo hướng tích cực hơn cho nông dân.

Đánh giá về công lao của ông Nguyễn Phú Cường, một tờ báo chuyên về lĩnh vực nông nghiệp ngày 3.9 đã viết rằng: “Sau giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện quy trình canh tác tại Đồng Nai, năm 2000, doanh nhân Nguyễn Phú Cường bắt đầu mở rộng vùng trồng sầu riêng Dona lên khu vực Tây Nguyên. Từ trụ sở Dona Techno ở Long Khánh, hàng triệu cây giống sầu riêng Dona lan tỏa khắp các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông...

Nhẫn nại và quyết liệt, doanh nhân Nguyễn Phú Cường hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm để giúp nông dân ở Tây Nguyên có được những vườn sầu riêng đạt sản lượng lớn, chất lượng cao. Hiện nay, với diện tích vùng trồng đã phát triển hơn 20 ngàn hecta, doanh nhân Nguyễn Phú Cường thực sự là người xây dựng thương hiệu sầu riêng Dona của Việt Nam. Và nhiều người gọi ông với biệt danh thân mật là "Cường Dona”.

Sầu riêng Dona gắn liền với ông Cường, nên mới có tên "Cường Dona"

Trần thanh bình

Trùng hợp thay, những hi vọng từ chia sẻ của một bài báo đăng sáng ngày 3.9 trên Thanh Niên, có tựa đề Sầu riêng, xoài, dứa rộng cửa xuất ngoại, câu chuyện xuất khẩu về trái sầu riêng qua một thị trường lớn là Trung Quốc, đã được đăng tải. Đọc những thông tin trong bài báo này dẫn nguồn số liệu từ Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit) và những phát biểu của các doanh nhân chuyên về lĩnh vực xuất khẩu nông sản, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, dấu ấn của những bàn tay lao lực của những nhà vườn trải dài từ miền Đông Nam bộ lên các tỉnh Tây nguyên đang cộng hưởng với tâm huyết và sự lao tâm của rất nhiều nhà khoa học, những trí thức và lão nông muốn đem hiểu biết của mình gieo vào những múi sầu riêng, tiếp tay cho nông dân làm giàu như ông Cường Dona, như ông Sáu Ri…

Để, luôn kỳ vọng vào một nền nông nghiệp có thể trở nên hanh thông hơn từ các chuỗi sản xuất, phân phối và chế biến; từ khâu làm đất, bón phân, chọn giống và các chỉ dẫn đầu tư cũng như phân phối hàng hóa nông sản nhịp nhàng. Đó luôn là mong ước của những ai quan tâm đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, để làm giàu cho mình và cho đất nước.

Vì thế, khi nghe tin ông Nguyễn Phú Cường đột ngột ra đi, trong tôi vẫn thấy tiếc cho một người đàn ông 62 tuổi với những ước vọng về một loại trái cây độc đáo của xứ nhiệt đới, mai này sẽ được đưa vào thị trường các nước nhiều hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.