Tác phẩm Báo chí của người Hoa tại Sài Gòn (1955 - 1975) do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, vừa ra mắt độc giả với những bài viết nghiên cứu công phu, cùng nhiều tư liệu quý của báo chí người Hoa của TS Phạm Ngọc Hường (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ).
Theo đó, tờ báo Hoa ngữ đầu tiên in tại Sài Gòn là Xã thôn công báo (Le Bulletin des Communes) in bằng chữ Hán vào năm 1862. Khi đó, vì muốn phổ biến cho người dân biết những quyết định của chính quyền mới, chính quyền Pháp cho ra đời tờ báo này, in gửi đi khắp các làng xã VN, nhờ vậy chính quyền địa phương mới có thể theo dõi và biết được những huấn thị của chính quyền trung ương.
Thời kỳ đầu, tất cả các tờ báo đều do người Pháp thành lập và điều hành, chính quyền Pháp quy định nếu không phải là người có quốc tịch Pháp thì không được ra báo. Báo viết bằng chữ quốc ngữ, Hoa ngữ hay Pháp ngữ đều do người Pháp đứng chủ bút.
Trong khoảng thời gian từ năm 1907 - 1918, tại VN xuất hiện nhiều tờ báo Hoa ngữ nhập khẩu. Những tờ báo này có đặc điểm chung là chống đối nhà Mãn Thanh, Trung Quốc và chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Mặc dù chính quyền thuộc địa nhiều lần ra lệnh cấm lưu hành những tờ báo này, nhưng báo chí Trung Hoa vẫn tiếp tục được du nhập VN, trong đó có tờ Novay Tempor và tờ Hsin-Shin Chi-Pao, là tiền đề cho những tờ báo do người Hoa xuất bản giai đoạn sau này.
Báo chí của người Hoa tại Sài Gòn (1955 - 1975) cũng cho biết, hoạt động sôi nổi của báo chí Hoa ngữ kéo dài cho đến khi đất nước thống nhất vào năm 1975, khi tất cả các tờ báo và tạp chí định kỳ viết bằng Hoa ngữ ở Sài Gòn ngừng xuất bản. Tờ báo Hoa ngữ duy nhất còn hoạt động đến nay là Sài Gòn Giải phóng Hoa văn. Trong thời gian hoạt động, báo chí Hoa ngữ đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm gắn liền với bối cảnh xã hội qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, nhưng luôn thể hiện đúng chức năng, với vai trò là tác nhân điều chỉnh và duy trì ổn định xã hội.
Bình luận (0)