Tiếng thét câm lặng được xuất bản lần đầu vào năm 1967, đề cập đến xã hội và cuộc khủng hoảng bản sắc sau Thế chiến thứ hai tại Nhật Bản. Cuốn sách đi sâu vào chủ đề cá nhân khi lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm của tác giả với tư cách là cha của một đứa con khuyết tật. Bên cạnh đó, tác phẩm còn khám phá một cách trực diện vào các chủ đề phức tạp và thường gây tranh cãi như tội ác, sự cô đơn và tự sát.
Kết cục của các nhân vật, đặc biệt là Takashi, phản ánh sự sụp đổ về những giá trị truyền thống và sự đổi mới của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến tranh. Tiếng thét câm lặng có thể xem là một tiếng thét vô hình, là biểu tượng cho những cảm xúc sâu kín và nỗi đau không thể diễn tả bằng lời nói. Thông qua ngôn ngữ tự sự, Oe Kenzaburo khai thác nhiều khía cạnh phức tạp của nhân vật về tình bạn, tình yêu và mối quan hệ giữa con người, tạo nên một tác phẩm đầy tính nhân văn và đậm tính triết học.
Tại buổi ra mắt sách, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ: "Sau những suy nghĩ trái ngược, mâu thuẫn, khinh bỉ và ghê tởm về nhân vật Takashi thì cuối tác phẩm lại có cái gì đó khiến ta vô cùng cảm động rằng Takashi vẫn sống trong một bào thai mà anh đã loạn luân với chị dâu. Nhưng kỳ lạ là Oe Kenzaburo viết về những điều tội lỗi đó không làm nhân vật hèn hạ, khốn nạn mà lại cảm thấy nhân vật giống như được thanh tẩy và người đọc cũng được thanh tẩy theo".
Bình luận (0)