Biển và cảm hứng sống

Ra Quy Nhơn nghe... 'Biển nhớ'

18/04/2024 13:00 GMT+7

Nói đến những tuyệt khúc về biển mà không nhắc tới 'Biển nhớ' là một 'sai lầm căn bản'. Nhưng nếu đã từng nghe và yêu 'Biển nhớ' mà chưa bao giờ đến Quy Nhơn, ngồi ngắm biển nơi này và bước đi trên những 'bờ cát trắng đêm khuya' thì không bao giờ 'cảm' hết được bài hát này.

Tôi đã từng nghĩ mình quá "rành" Biển nhớ rồi, một bài hát "kinh điển" của một nhạc sĩ mà tên tuổi cũng thuộc hàng "kinh điển", nằm trong bộ ba huyền thoại Văn Cao - Phạm Duy - Trịnh Công Sơn của âm nhạc Việt Nam. Cho tới khi tôi bước chân xuống ga Diêu Trì, Quy Nhơn, rồi mê đắm suốt buổi chiều cho tới tối hôm ấy với biển Quy Nhơn, tôi nhận ra bây giờ mình mới... "hiểu" Biển nhớ!

Một góc bãi biển Eo Gió, với núi nghiêng ra biển

Một góc bãi biển Eo Gió, với núi nghiêng ra biển

Ảnh: V.T.T

Ai cũng biết Biển nhớ là nỗi lòng của một chàng trai thương nhớ người yêu đã đi xa. Có người còn cho rằng có khi đó là tâm trạng thật của Trịnh Công Sơn khi một mình ngồi trên biển Quy Nhơn nhớ về một cô gái tên là Bích Khê. Nhưng khi tôi có mặt ngay bãi biển Quy Nhơn, mà một bên là con đường Xuân Diệu, bên kia là biển đêm lùi xa tít để lộ một "bờ cát trắng đêm khuya" thật mênh mông, tôi mới hiểu rằng Biển nhớ không chỉ là "nỗi lòng nhớ nhung", mà là những hình ảnh trong bài hát được đặc tả chính xác, chứ không chỉ là những ẩn dụ như ca từ thường thấy của Trịnh Công Sơn nữa.

"Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về

Gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya..."

Có thể những hàng "liễu rũ lê thê" ngày xưa đã không còn... Nhưng "bờ cát trắng đêm khuya" thì vẫn còn đây, nó sáng lên một cách lạ thường khi mà chúng tôi ngồi ở một quán cà phê sát đường Xuân Diệu nhìn ra, cứ như bãi biển có dạ quang vậy.

Tôi có thể tưởng tượng rằng ngày xưa, theo như thời điểm mà Trịnh Công Sơn sáng tác Biển nhớ là năm 1962, có lẽ ông thường một mình bước trên "bãi cát trắng như dạ quang" này chăng. Tôi đã từng trầm trồ với những bãi cát trắng ở Nha Trang hay Đà Nẵng, nhưng khi chứng kiến bãi cát ở biển Quy Nhơn trong một đêm không có trăng, chỉ có ánh sáng hắt ra từ những quán cà phê ven đường Xuân Diệu, tôi thật sự ngạc nhiên: bãi cát của biển Quy Nhơn trắng và sáng một cách lạ lùng trong đêm. Giờ tôi mới hiểu ra "gọi bờ cát trắng đêm khuya" trong Biển nhớ không phải ngẫu nhiên. Cát trắng trong đêm chỉ có thể là ở bãi biển Quy Nhơn.

Ngày hôm sau, khi tôi ghé bãi biển Kỳ Co và Eo Gió, những bãi cát trắng tinh mới thật sự hiện ra trước mắt tôi, cát trắng hơn mức bình thường! Tôi vẫn biết những bãi biển miền Trung thường là bức tranh phối cảnh giữa núi và biển, nhưng ở Quy Nhơn, mà đặc biệt là Kỳ Co và Eo Gió, biển cả và núi đồi tạo ra những phong cảnh vô cùng kỳ thú, mà khi nghe lại những ca từ của Biển nhớ, tôi mới thật sự hiểu:

"Ngày mai em đi

đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ

sỏi đá trông em từng giờ

nghe buồn nhịp chân bơ vơ"

Biển thì sao lại là đồi núi ở đây? Lại sỏi đá nữa? Nhưng thật sự là ở Quy Nhơn, núi nghiêng tận ra sát biển, sỏi đá xen lẫn bờ cát. Nếu ra bãi Kỳ Co và Eo Gió, bạn sẽ hiểu những ca từ này. Biển cả và núi đồi giao hòa, cát trắng đến kinh ngạc, biển xanh trong như ngọc, những cồn đá rêu phủ xanh dờn…

Cồn đá rêu phong, nước xanh như ngọc tại biển Kỳ Co

Cồn đá rêu phong, nước xanh như ngọc tại biển Kỳ Co

Ảnh: V.T.T

Nhưng với khung cảnh núi nghiêng mình ra biển như thế, những cồn đá rêu phong như thế, khi trời mưa bão thì cái buồn sẽ càng sầu tê tái hơn. Tôi là một người xứ biển, nên tôi hiểu những khi trời mưa bão hay gió lộng ở những xứ biển nó buồn như thế nào.

“Ngày mai em đi

cồn đá rêu phong rũ buồn

đèn phố nghe mưa tủi hờn

nghe ngoài trời giăng mây tuôn”

Ở những phố biển ngày xưa, khi đô thị chưa phát triển hiện đại, những đêm trời mưa bão, những đêm biển động, từng cơn gió lạnh ùa về, thì hình ảnh làm cho tôi nhớ nhất lại là những con phố đìu hiu với ánh sáng yếu ớt của những ngọn đèn vàng, mà có khi là đèn dầu của những hàng quán khuya nữa. Quy Nhơn khoảng đầu những năm 1960 thì có lẽ đô thị cũng còn đơn sơ lắm. Hình ảnh ấy nó khắc sâu vào hồn tôi như là cảm giác bé nhỏ, mong manh và yếu ớt của kiếp người vậy.

“Ngày mai em đi

thành phố mắt đêm đèn vàng

nửa bóng xuân qua ngập ngừng

nghe trời gió lộng mà thương”

"Nghe trời gió lộng mà thương!” Tôi đặc biệt thích câu này của cả bài hát. Nó thật sự không còn là không gian nhỏ bé của tình yêu đôi lứa nữa rồi. Chúng ta vẫn thường thấy trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, xuyên suốt tất cả những tác phẩm là cái từ bi một cách tự nhiên từ tâm hồn của một nghệ sĩ, luôn luôn thương xót cho phận người trong một cõi giới thật bất định này. Người nghệ sĩ thật sự là vậy, họ chỉ đứng sau những nhà tu khổ hạnh mà thôi. Những nhà tu thì đi tìm chân lý qua kinh sách và suy ngẫm, nhưng với nghệ sĩ, nhờ tâm hồn nhạy cảm mà họ tựa hồ như nhận ra họ đã từng “chạm” bằng sự thấu cảm nỗi đau kẻ khác.

Ra Quy Nhơn nghe... 'Biển nhớ'- Ảnh 3.

"Thành phố mắt đêm đèn vàng" hiện nay

Ảnh: V.T.T

Tâm thức ấy được lồng vào những nét giai điệu thật tối giản, nhưng lại mở ra vô số chân trời cho người hòa âm phối khí. Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng nhạc Trịnh chỉ với cây guitar thùng là đủ. Bạn có thể biến hóa khôn lường với những giai điệu tối giản của ông, mà vẫn cảm thấy còn vô số cách giải lý thú khác đấy!

Ngày hôm sau, đứng từ tầng cao của một khách sạn trên đường Nguyễn Huệ nhìn ra bãi biển Quy Nhơn, phía sau là núi Vũng Chua, hoàng hôn tuyệt đẹp hiện ra, bên dưới là “bờ cát trắng đêm khuya”, cùng những “mắt đêm đèn vàng” dọc theo eo biển, tôi thầm nghĩ: “Biển nhớ là đây"!

Thật không kể hết biết bao nhiêu ca sĩ đã hát Biển nhớ. Với người nghe, có người chỉ trung thành với Khánh Ly, có người mở lòng với những giọng hát mới hơn. Nhưng tôi biết có một ca sĩ mà quê hương anh, nơi anh sinh ra là vùng biển Quy Nhơn. Chắc hẳn anh sẽ là người hiểu rõ những ca từ cùng sự khắc họa rõ nét nhất của Biển nhớ dành cho vùng biển quê hương anh. Tôi nghĩ, bạn hãy nghe lại anh ấy hát Biển nhớ nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.