Rà soát toàn bộ trạm thu phí BOT giao thông, xử lý dứt điểm các tồn tại

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/06/2018 11:29 GMT+7

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5.

Theo nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội ghi nhận các giải pháp, cam kết của Chính phủ, cũng như bộ trưởng các bộ đã tham gia chất vấn, gồm Bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Lao động -Thương binh - Xã hội, Giáo dục - Đào tạo; đồng thời, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng các bộ tập trung thực hiện cam kết để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp.
Trình phương án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2019
Cụ thể, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, nghị quyết ghi nhận cam kết của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải về việc rà soát đánh giá tổng thể thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông; chấn chỉnh hoạt động vận tải đường sắt, trình Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc - Nam vào năm 2019.
Bên cạnh đó, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý thích hợp đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kéo dài tiến độ, tăng vốn dự án, nhất là các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
Quốc hội cũng quyết nghị phải thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tiếp tục giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) qua từng năm, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Nghị quyết cũng ghi nhận cam kết hoàn thiện pháp luật về đầu tư dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Từ năm 2019, thực hiện việc thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này.
Tăng cường kiểm tra sử dụng đất tại các dự án BT, BOT
Đối với lĩnh vực tài nguyên môi trường, nội dung nghị quyết ghi nhận cam kết trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất dùng cho mục đích công cộng, đất tại các nông, lâm trường, dự án BT, BOT; cũng như việc xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, Quốc hội quyết nghị phải sớm hoàn thành phương pháp xác định giá đất phù hợp với thực tế thị trường bất động sản; giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai, tạo chuyển biến rõ nét về lĩnh vực này qua từng năm.
Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Triển khai quy hoạch xử lý rác thải; xây dựng và triển khai mô hình mẫu về xử lý rác thải, nhất là tại vùng nông thôn; rà soát, theo dõi chặt chẽ hoạt động xả thải; xử lý có hiệu quả tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông, suối, tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven sông, ven biển.
Đến 2021, giảm 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
Đối với lĩnh vực lao động - thương binh - xã hội, nghị quyết ghi nhận cam kết thúc đẩy phát triển thị trường lao động, gắn với cung, cầu lao động và bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Làm tốt công tác dự báo thị trường lao động; có lộ trình cụ thể giải quyết việc làm cho sinh viên, thanh niên nông thôn.
Đi liền với đó là tiếp tục rà soát, sắp xếp và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đến năm 2021 giảm 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; xử lý tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đào tạo chung.
Đồng thời, rà soát, đánh giá tổng thể, thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển thị trường bền vững đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc ngăn ngừa, phát hiện, xử lý tin báo, tố giác, điều tra, truy tố, xét xử các vụ xâm hại trẻ em; nghiên cứu xây dựng quy trình nghiệp vụ đặc thù trong điều tra, truy tố, xét xử các hành vi xâm hại trẻ em.
Kiên quyết giải thể trường đại học yếu, kém
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nghị quyết ghi nhận cam kết hoàn thành đề án cụ thể về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Phát triển chương trình đào tạo đại học theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo đại học chất lượng yếu, kém.
Bên cạnh đó là rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên theo bậc học, cấp học; tăng cường quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn nghề nghiệp; rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên; trong năm 2018, ban hành đề án về văn hoá ứng xử trong trường học.
Quốc hội cũng quyết nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giáo dục - đào tạo. Trong đó, chú trọng chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo, tình trạng vi phạm pháp luật về văn bằng, chứng chỉ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh, sinh viên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.