"Tại anh, tại ả…"
Giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1) được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo, khảo nghiệm và được Bộ NN-PTNT công nhận tạm thời, cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía nam theo Quyết định số 3277/QĐ/BNN-KHCN ngày 23.11.2005, cách đây gần 20 năm. Theo giải trình của Viện Cây ăn quả miền Nam, đối với việc công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới, một trong những điều kiện để được công nhận giống chính thức thì giống LĐ1 phải được sản xuất thử nghiệm với quy mô diện tích tối thiểu là 50 ha.
Để đáp ứng được điều kiện này, viện đã giao cho Công ty tư vấn đầu tư và phát triển nghề vườn (đơn vị trực thuộc viện) phối hợp với một số hộ nông dân để cùng tổ chức sản xuất thử. Do quy mô diện tích quá lớn, nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, không có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, khi tổ chức sản xuất thử nghiệm giống LĐ1, viện đã có chủ trương thu một phần kinh phí của các hộ nông dân tham gia nhằm bù đắp một phần chi phí sản xuất giống, và do đó vẫn phải xuất hóa đơn để đảm bảo các quy định về hóa đơn bán hàng của đơn vị kinh doanh nhưng không coi hoạt động này có tính thương mại.
Đến năm 2017, Viện Cây ăn quả miền Nam và nhóm tác giả chính đã tiến hành thủ tục chuyển giao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, trước thời điểm đó, giống thanh long ruột đỏ LĐ1 đã được trồng khá nhiều ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Từ vướng mắc bản quyền, nhiều doanh nghiệp (DN) không xuất khẩu được sang Nhật Bản vì không có mã số vùng trồng. Tại cuộc họp các bên liên quan vào ngày 16.2, tranh cãi tiếp tục nổ ra. Đại diện các hợp tác xã cho rằng giống này đã được Viện Cây ăn quả bán ra cho dân từ lâu nên là sở hữu toàn dân. Một số DN xuất khẩu trái cây tỏ ý tôn trọng việc sở hữu bản quyền của Hoàng Phát Fruit nhưng đề nghị nhà nước mua lại hoặc nhượng quyền sử dụng giống.
Như Thanh Niên đã thông tin, kết quả buổi họp lãnh đạo Cục Trồng trọt nghiêng về phương án thu phí trên số lượng thanh long xuất khẩu do Hoàng Phát Fruit đề xuất, với mức phí từ 10 - 30 đồng/kg. Mặc dù vậy, cho đến hiện tại, trả lời Thanh Niên, nhiều ý kiến vẫn chưa đồng thuận với cách giải quyết này. Đại diện Hiệp hội Rau quả VN nêu ý kiến: "Cách giải quyết như vậy là chưa ổn lắm, bởi vì giống LĐ1 phải là giống phổ biến, sở hữu toàn dân thì phía VN mới đàm phán xuất khẩu sang Nhật được. Không lý nào lại đi đàm phán xuất khẩu một giống cây ăn quả đang thuộc sở hữu của một DN. Còn nếu họ không biết thông tin này thì bây giờ phải xử lý như thế nào cho công bằng. Nếu chúng ta không rõ ràng thì sau này sẽ còn xảy ra những trường hợp tương tự".
Nghiên cứu bằng ngân sách rồi bán độc quyền ?
Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN (VAAS), trong giai đoạn 2011 - 2020, các đơn vị thuộc VAAS đã thực hiện 227 nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến chọn, tạo giống cây trồng. Các nhiệm vụ này được tiến hành với 13 chủng loại cây trồng và tổng kinh phí là 740,54 tỉ đồng. Thời gian mỗi nhiệm vụ kéo dài trung bình 4,26 năm với kinh phí trung bình cho mỗi nhiệm vụ KH-CN về chọn, tạo giống là 3,3 tỉ đồng. Từ kết quả của các nhiệm vụ KH-CN này đã có 390 giống cây trồng được công nhận lưu hành tại VN.
Mặc dù số lượng giống được công nhận khá lớn, nhưng số lượng giống có khả năng thương mại hóa và hợp tác khai thác bản quyền với các DN khá thấp. Trong 10 năm qua, có 79 giống được thương mại và đang đàm phán thương mại, chiếm 20,25% tổng số giống được công nhận, trong đó có 6 giống cây ăn quả, 35 giống lúa và 38 giống ngô.
GS-TS Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: "Hiện nay nguồn ngân sách cấp để chi trả lương và hoạt động bộ máy của VAAS chỉ đáp ứng 54,3% so với nhu cầu thực tế. Việc giao quyền đăng ký bảo hộ và thực thi quyền của chủ sở hữu bằng bảo hộ đối với các giống cây trồng được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật VN về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa quan trọng để giúp các tổ chức nghiên cứu công lập phát triển các giống cây trồng có chất lượng tốt, tạo động lực để thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách cho công tác lai tạo giống cây trồng theo đúng chủ trương xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, tạo nguồn thu cho các tổ chức khoa học công lập để từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư cho công tác nghiên cứu (thông qua khoản thuế trích nộp từ thương mại giống cây trồng)…".
Trả lời Thanh Niên, một nhà nghiên cứu khoa học lâu năm trong ngành nông nghiệp (xin được giấu tên), phản biện: "Việc bảo hộ giống cây trồng, quyền sở hữu trí tuệ là phù hợp, là cần thiết, tuy nhiên, có những trường hợp không thể đem bán độc quyền cho DN được. Ví dụ như trường hợp của giống thanh long LĐ1, đây là thành quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước, do một đơn vị trực thuộc nhà nước thực hiện. Bản quyền giống đó phải thuộc sở hữu toàn dân mới đúng. Hiện nay tôi biết có khá nhiều trường hợp một số viện, trung tâm nghiên cứu giống bán bản quyền cho DN sử dụng độc quyền, hoặc thời gian bảo hộ kéo dài. Điều này gây thiệt thòi cho nông dân. Mặt khác, có nhiều DN đầu tư chi phí, hợp tác cùng các viện để nghiên cứu giống mới, nhưng như vậy cũng khá mập mờ vì làm sao phân biệt được cái nào công, cái nào tư?".
Ở góc độ sản xuất, đại diện Hiệp hội Rau quả VN cũng nêu ý kiến: "Đối với giống được bảo hộ, việc thu phí tác quyền hay sở hữu trí tuệ là hợp lý, tuy nhiên, khi người ta mua giống về để làm ra sản phẩm thì hoàn toàn có quyền bán đi đâu tùy ý. Đơn cử như trái sầu riêng, hiện nay cả nước đang trồng rất nhiều giống sầu riêng monthong xuất xứ từ Thái Lan và xuất khẩu đi khắp nơi, nếu việc áp dụng bản quyền giống mà sử dụng cho thành phẩm thì chẳng lẽ VN không xuất khẩu sầu riêng được hay sao? Hay như giống lúa ST25, rất nhiều DN hiện nay sản xuất và xuất khẩu gạo ST25, hoàn toàn không vướng mắc gì về bản quyền. Do đó, cần có một giải pháp hợp tình, hợp lý hơn để tránh những tranh chấp tương tự sau này".
Có nhiều kinh nghiệm trong việc mua bán giống lúa, ông Nguyễn Lâm Danh, Giám đốc Công ty CP giống cây trồng Đông Nam (Ninh Thuận), chia sẻ: "Việc mua bán, bảo hộ giống hiện nay mặc dù có các quy định pháp luật về việc sở hữu trí tuệ nhưng thực chất rất lỏng lẻo. Ví dụ như một giống mới tôi mua của trung tâm nghiên cứu, chỉ một thời gian sau là bị nhiều nơi khác ăn cắp, sử dụng "chùa" và họ có nhiều cách để lách luật mà không làm gì được. Do đó, các quy định để quản lý hiện nay còn khá nhiều lỗ hổng, từ việc mua bán, nhượng quyền, đến việc bảo vệ tác quyền giống còn rất nhiều bất cập".
GS-TS Nguyễn Hồng Sơn: Trong số 79 giống được thương mại có 67 giống được chuyển giao cho các DN, 3 giống trong giai đoạn đàm phán, 8 giống được chuyển giao cho các đơn vị sự nghiệp có thu của nhà nước; 1 giống được chuyển giao cho nước bạn Lào. Để tạo được một giống lúa chất lượng cao, từ khi lai tạo đến khi được công nhận lưu hành cần 10 năm nghiên cứu liên tục với kinh phí từ 16 - 20 tỉ đồng. Đối với cây ăn quả dài ngày, để tạo được một giống tốt, cần thời gian liên tục tối thiểu 15 năm. Như vậy, để có được một giống tốt, có khả năng thương mại hóa và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu tạo giống đủ dài, liên tục với lượng kinh phí đủ lớn và ổn định.
Bình luận (0)