Rắc rối với nghệ danh, bút danh

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
01/10/2021 06:22 GMT+7

Không ít nghệ sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu… ngoài tên thật còn có nghệ danh, bút danh. Các nghệ danh, bút danh này lắm khi còn được công chúng biết đến nhiều hơn tên thật. Khi đổi từ CMND sang CCCD, một số nghệ sĩ đã gặp rắc rối với nghệ danh của mình.

Mừng khi nhận được CCCD nhưng nhạc sĩ - ca sĩ Trần Quế Sơn lại tá hỏa khi thấy trên CCCD, ngoài tên khai sinh Trần Văn Tám của anh không còn dòng nghệ danh bên dưới (Trần Quế Sơn) như trên CMND cũ; trong khi các hồ sơ cá nhân: giấy tờ nhà đất, tài khoản ngân hàng, giấy phép lái xe... đều đã mang tên Trần Quế Sơn.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn cho biết: “Trong các hợp đồng tác quyền, nhà sản xuất và nơi sử dụng tác phẩm đều chỉ biết tôi là nhạc sĩ Trần Quế Sơn chứ... Trần Văn Tám thì lại như là người nào khác. Thậm chí, ngay cả người thân quen của tôi giờ cũng mặc định tôi là Trần Quế Sơn, tên cúng cơm chỉ “còn chăng là kỷ niệm”. Vì vậy, không có dòng phụ nghệ danh như trong CMND, giờ Trần Quế Sơn đi đâu cũng phải mang bên mình giấy xác nhận của chính quyền địa phương rằng ông Trần Văn Tám và Trần Quế Sơn là một người.
Theo nhạc sĩ Trần Quế Sơn, điều lo lắng nhất của nghệ sĩ thường là tiền tác quyền, vì lâu nay các đơn vị trong và ngoài nước chi trả tác quyền và đóng thuế cho anh theo nghệ danh: “Kênh YouTube phát những sáng tác của tôi với tên tác giả Trần Quế Sơn, trước kia để lãnh tiền tác quyền, tôi chỉ cần đưa CMND ra, giờ thì phải thêm giấy xác nhận nói trên. Trước đây, nhiều chương trình biểu diễn mời tôi tham dự, ban tổ chức mua vé tàu lửa, máy bay cho tôi toàn ghi tên Trần Quế Sơn, giờ thì tôi sẽ phải nói người ta ghi tên thật kẻo không đi được”, nhạc sĩ nói.
Rắc rối với nghệ danh, bút danh1

Giấy CMND cũ và thẻ ngân hàng ghi tên nghệ danh Trần Quế Sơn

Q.TRÂN

Vui buồn nghệ danh

Người nổi tiếng gặp rắc rối khi giấy tờ chỉ ghi tên thật mà không ghi nghệ danh cũng không ít. Nghệ sĩ Mạc Can kể, lúc còn khỏe, không ít lần ông ra bưu điện lãnh nhuận bút, nhân viên bưu điện vui mừng nhận ra ông và chạy đến xin chữ ký, xin chụp hình chung. Nhưng khi ông trình CMND tên Lê Trung Can ra thì bắt đầu... rối. Họ không thể phát tiền cho ông vì phiếu chuyển gửi cho ông chỉ ghi tên Mạc Can, còn trên CMND lại không có tên này.
Nhà văn Tạ Duy Anh có sự cố còn “khôi hài” hơn. Trước đây, ông có truyện thiếu nhi được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nên Bộ GD-ĐT làm bộ ảnh chân dung khoảng chục tác giả. Trước khi in, ông phát hiện tên thật Tạ Viết Đãng bị viết sai thành Tạ Viết Dũng. Ông đề nghị sửa thì bộ phận thực hiện... không chịu. Họ cho rằng trong kỷ yếu Hội Nhà văn tên ông là Dũng. Ông đành đưa ra giải pháp sử dụng bút danh là Tạ Duy Anh thì được, vì tên này quá nổi tiếng. Vì thế, trong các tư liệu Bộ GD-ĐT dùng làm giáo cụ trực quan cho các trường đều “đóng đinh” tên Tạ Duy Anh.
Éo le thay, nhập hộ khẩu thì tên Tạ Duy Anh lại không được công nhận. Tác giả Đất mồ côi kể: “Lúc ấy, Bộ Văn hóa muốn giữ tôi lại ở Trường viết văn Nguyễn Du làm giảng viên nên tạo điều kiện cho tôi được nhập khẩu Hà Nội. Khổ nỗi, hồ sơ ngoài tên thật, phần tên thường gọi tôi ghi Tạ Duy Anh lại bị gạch bỏ. Trong khi đó, có tới 80% các giao dịch hành chính tôi đều sử dụng tên Tạ Duy Anh mới đau. Vì thế, sau này mỗi lần cần xác nhận các giấy tờ, tôi rất vất vả. Được nổi tiếng cũng vì nó mà rắc rối cũng vì nó là vậy”, ông cười khà khà.
Tại Thông tư 57/2013/TT-BCA ngày 13.11.2013, Bộ Công an có quy định về mẫu CMND, thì ngoài họ và tên khai sinh, người được cấp được hưởng họ và tên gọi khác (nếu có). Nhờ vậy, người có sử dụng tên gọi khác như nghệ danh, bút danh hay bí danh muốn CMND có sử dụng tên gọi đó, ngoài tên theo giấy khai sinh và CMND, có thể khai trong sơ yếu lý lịch được chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền hoặc người đó cũng có thể làm văn bản gửi công an địa phương xác nhận ngoài tên trên giấy khai sinh và CMND còn sử dụng một tên gọi khác. Lưu ý rằng, việc sử dụng nghệ danh, bí danh hay bút danh phải thường xuyên và được nhiều người biết đến thì mới được thừa nhận.
Sau này, người được cấp CMND không được hưởng tên gọi khác như nghệ danh, bí danh hay bút danh, áp dụng kể từ ngày 1.1.2016. Thông tư số 6/2021/TT-BCA (hiệu lực từ ngày 23.1.2021) quy định tên trên CCCD là tên theo giấy khai sinh. Nên hiện nay người được cấp CCCD thì ngoài tên khai sinh không được hưởng tên gọi khác như nghệ danh, bí danh hay bút danh ghi theo nữa.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường (Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự)
Hiện loại CCCD có gắn chip là có thể hiện thông tin cơ bản của công dân qua mã QR gồm: số CCCD, họ và tên, giới tính, nơi thường trú, ngày cấp, số CMND 9 số cũ. Trong chip điện tử có lưu trữ thông tin gồm: số CCCD; họ và tên, họ và tên khác..., nên khi sử dụng CCCD gắn chip thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận sẽ có các thông tin theo CMND trước đây (bao gồm cả họ và tên khác) thông qua dùng thiết bị quét mã QR và thiết bị chuyên dụng.
Luật sư Nguyễn Đức Bằng (Đoàn luật sư TP.HCM)
Quyền cá biệt hóa chủ thể là các quyền nhân thân cơ bản của cá nhân được quy định trong bộ luật Dân sự. Trong các quyền cá biệt hóa, có quyền thay đổi họ tên. Ngoài họ tên chính thức được ghi nhận trong giấy khai sinh, cá nhân có thể dùng bí danh, bút danh để thay cho tên gọi của mình. Vì dù có gắn chip, nhưng nếu trên mặt CCCD có thêm phần tên gọi khác thì tốt hơn cho việc quản lý công khai, minh bạch phần nhân thân. Mặt khác công dân, trong đó có các nghệ sĩ, sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong các giao dịch dân sự và đi lại mà trước đây CMND đã mang lại vì không phải nơi đâu cũng có đủ thiết bị quét mã QR.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.