Hôm nay 30.8, tức rằm tháng 7 âm lịch. Đây là một trong 4 rằm lớn của Phật giáo, nhắc nhở mỗi người về đạo hiếu, về lễ Vu lan với truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Còn theo quan niệm dân gian, rằm tháng 7 hay thường gọi là rằm của tháng "cô hồn" với những điều xui rủi dễ ập đến.
Đi chùa rằm tháng 7 làm gì?
Thầy Minh Thiền, trụ trì chùa Đức Hòa (TP.Dĩ An, Bình Dương) cho biết, với người Phật tử đã học và hiểu được Phật pháp thì rằm tháng 7 là dịp đến chùa tràn đầy niềm vui, tháng của lòng biết ơn, hiếu thảo. Phật tử đi chùa với tâm hoan hỉ, cài lên ngực bông hồng nhắc nhở bổn phận làm con giữ trọn đạo hiếu với đấng sinh thành.
Còn theo quan niệm dân gian, đây là tháng "cô hồn", tháng Diêm Vương mở cửa địa ngục để cô hồn quay trở về trần gian. Người ta sợ oan hồn lên trần gian sẽ đem theo những điều xui xẻo, những điềm gở mà nhắc nhau những điều nên tránh trong tháng này. Người dân đến chùa để cầu Đức Phật chở che, cầu cho tai qua nạn khỏi.
"Chúng ta cũng phải cảm ơn quan niệm dân gian này vì từ đó người dân tìm đến chùa. Dịp này các chùa hay làm đại lễ Vu lan, sư thầy, sư cô có các buổi giảng pháp, trả lời thắc mắc của người dân. Từ đó, người dân hiểu được ý nghĩa của lễ Vu lan, quan niệm tháng 7 thả âm hồn về trần gian là không có căn cứ", trụ trì chùa Đức Hòa chia sẻ.
Đừng đốt vàng mã nữa!
Cũng theo thầy Minh Thiền, GHPGVN luôn khuyên Phật tử không nên đốt giấy tiền, vàng mã nữa. Thay vào đó, mỗi người hãy dùng tiền mua vàng mã đó làm những việc giúp ích cho đời như: nấu cơm từ thiện giúp bệnh nhân nghèo, giúp bà con khó khăn, mua tập sách cho học sinh vùng sâu vùng xa… Đó mới là các việc làm thiết thực, có ý nghĩa.
"Theo quan niệm Phật giáo, chúng ta phải sử dụng đồng tiền mang lại lợi ích thiết thực cho con người, đó là phước báu, là năng lượng lành để chúng ta hồi hướng cầu nguyện cho người thân", trụ trì chùa Đức Hòa nhấn mạnh.
Nhiều người còn nghĩ rằng, đốt vàng mã nhà lầu, xe hơi, iPhone, máy tính bảng,… thì người thân đã mất sẽ nhận được. Cuộc sống của người thân đã mất sẽ đầy đủ hơn. Nhiều thủ phủ vàng mã một thời từng rất thịnh hành các mặt hàng vàng mã "bắt trend", hợp thời.
Thượng tọa Thích Huệ Công, Trưởng ban đại diện Phật giáo người Hoa tại TP.HCM cũng cho hay, thói quen đốt vàng mã là tín ngưỡng dân gian, không phải chủ trương của Phật giáo. Nhiều năm gần đây, GHPGVN có chủ trương khuyên Phật tử không đốt vàng mã để tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, ở các chùa của người Hoa thờ cốt thường có khu vực để người dân đến thăm thân nhân đã mất có thể đốt vàng mã, để phục vụ tín ngưỡng dân gian. Nhưng các sư thầy ở chùa vẫn nhắc người dân đến chùa không nên quá tốn tiền vào vàng mã, mà hãy dùng số tiền đó để giúp các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, trong đời sống hằng ngày.
"Các chùa luôn nhắc nhở để Phật tử dần thay đổi rằng thay vì đốt vàng mã để tưởng nhớ người thân đã mất, mọi người hãy siêng năng làm các việc thiện, giúp ích cho mọi người xung quanh rồi hồi hướng công đức đến người thân đã mất. Và người dân cũng đang dần thay đổi thói quen này", thượng tọa Thích Huệ Công nhận xét.
Bình luận (0)