Rằm tháng 7, Vu Lan: Người dân TP.HCM đi chùa cầu bình an

11/08/2022 13:05 GMT+7

Từ đầu tháng 7 âm lịch, các chùa ở TP.HCM đã bắt đầu các hoạt động của đại lễ Vu Lan báo hiếu. Hôm nay 11.8 (tức 14.7 âm lịch), người dân TP.HCM cũng tranh thủ đến chùa bái Phật, cầu nguyện bình an.

Ý nghĩa ngày Rằm tháng 7

Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cho biết, Rằm tháng 7 theo Phật giáo đại thừa có ý nghĩa quan trọng. Từ ngày mùng 1 đến Rằm tháng 7, những người tu học Phật nhắc nhở mình về hạnh hiếu.

Rằm tháng 7 cũng nhắc nhở chúng ta về 4 trọng ân: ơn cha mẹ khai sinh sự sống; ơn thầy cô giáo, thầy tinh thần trao tri thức đạo đức để chúng ta sống tốt, sống hữu ích; ơn Tổ quốc, các chiến sĩ quê mình để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và ơn đồng loại. Tuy nhiên, thông thường mùa Vu Lan dân gian chỉ để ý đến báo hiếu cha mẹ nhiều hơn.

Chùa Ngọc Hoàng có đông người dân đến từ sáng sớm

nhật thịnh

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, kinh Vu Lan có nhắc về nguồn gốc Vu Lan qua sự tích thánh nhân tên là Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên có một người mẹ qua đời, gia đình chỉ có một con trai duy nhất chính là Mục Kiền Liên nhưng ông không có nhu cầu thừa kế tài sản, mà trở thành một vị tăng sĩ. Người mẹ tiếc nuối tài sản nên khi chết bị vướng kẹt.

Mục Kiền Liên trình với Đức Phật, Đức Phật khuyên ông tổ chức một lễ để đưa vào đạo đức cộng đồng của nhiều vị xuất gia. Hôm đó có nhiều ấn tế phát tâm cúng dường, làm cho mẹ của Mục Kiền Liên nhận ra mình tiếc tài sản nhưng con mình không có nhu cầu kế thừa, trong khi người khác phải bỏ tài sản ra làm việc nghĩa. Từ đó bà bỏ được tâm tiếc nuối nên được tái sinh.

Trẻ em được cha mẹ cùng đưa tới chùa dịp Rằm tháng 7

nhật thịnh

Chùa Ngọc Hoàng (hay còn gọi là chùa Phước Hải) nằm trên đường Mai Thị Lựu (Q.1) là nơi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ghé thăm trong chuyến đến Việt Nam vào năm 2017

nhật thịnh

Dựa vào tích đó, tháng 7 người ta nhắc nhở con cháu đến chùa tụng kinh nhiều hơn để sống duy trì đạo lý uống nước nhớ nguồn trong gia tộc.

Thượng tọa trụ trì chùa Giác Ngộ cũng cho biết, trên phương diện văn hóa, Rằm tháng 7 là Rằm lớn nhất, người dân đến chùa đông nhất. Đây cũng là Rằm được lan tỏa trong cộng đồng, những người không theo đạo Phật mà thờ ông bà ở nhà vẫn có thể hòa nhập với lễ Vu Lan ở các chùa.

Người dân bái Phật cầu bình an

Theo ghi nhận, tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), chùa Ngọc Hoàng (Q.1), Việt Nam Quốc Tự (Q.10), nhiều Phật tử tranh thủ đi chùa buổi sáng ngày 14.7 âm lịch để tránh đông đúc vào buổi tối.

Du khách tham quan chùa Ngọc Hoàng trong sáng 11.8.2022

nhật thịnh

Rằm tháng 7 là Rằm lớn nhất, người dân đến chùa đông nhất

nhật thịnh

Tại Việt Nam Quốc Tự, cũng có một số người dân cũng đến bái Phật trong buổi sáng

nhật thịnh

Nhiều người chắp tay bái Phật, cầu mong bình an cho gia đạo và mọi người xung quanh. Một số chùa cũng chuẩn bị sẵn quyển Kinh A Di Đà sám hối sám nguyện để Phật tử cùng tham gia làm lễ tại chùa.

Bà Trần Nguyên Phương (49 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, mỗi dịp Rằm bà thường đến chùa Vĩnh Nghiêm buổi tối, nhưng dịp này Rằm lớn nên bà tranh thủ đi ban ngày.

"Đến chùa là tôi đã thấy tâm mình bình an sau thời gian dài căng thẳng vì dịch bệnh. Tôi không cầu nguyện gì nhiều, chỉ mong an yên cho gia đình và cộng đồng", bà Phương chia sẻ.

Tương tự, anh Hoài Lương (27 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) cũng cùng đồng nghiệp đến chùa trong buổi sáng 14.7 âm lịch. Theo anh Lương, buổi sáng các chùa ít đông đúc hơn buổi tối vì nhiều người bận đi làm giờ hành chính, lễ chính của các chùa cũng thường diễn ra vào buổi tối.

Rằm tháng 7 là Rằm được lan tỏa trong cộng đồng

nhật thịnh

Chùa Giác Ngộ trang trí Đại lễ Vu Lan báo hiếu

Chùa Giác Ngộ

Chùa Vĩnh Nghiêm sáng 14.7 âm lịch, người dân đến cầu bình an, phóng sinh

vũ phượng

Chùa chuẩn bị sẵn khu vực để người dân cùng tham gia lễ

vũ phượng

Rằm tháng 7 cũng nhắc nhở chúng ta về 4 trọng ân

nhật thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.