Một báo cáo từ Trung tâm hành động nguồn Đông Nam Á, một tổ chức phi lợi nhuận về các quyền dân sự ở Mỹ, được công bố gần đây cho thấy khoảng 90% người Mỹ gốc Đông Nam Á, trong đó có người gốc Việt, nói một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh ở nhà và 45% sử dụng tiếng Anh không lưu loát. Những bệnh nhân bị hạn chế về tiếng Anh nhận phải chất lượng chăm sóc sức khỏe thấp hơn so với người nói tiếng Anh lưu loát, theo chuyên san American Medical Association Journal of Ethics.
Liên quan thực tế này, tờ Los Angeles Times mới đây chỉ ra trường hợp một phụ nữ gốc Việt dẫn con gái 9 tuổi đi khám bệnh. Vì người phụ nữ không giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, nên chính cô bé 9 tuổi và anh trai 16 tuổi của cô bé đi cùng đã phiên dịch cho bà giao tiếp với bác sĩ. Điều đó khiến cho người phụ nữ không tiếp nhận đầy đủ các cảnh báo về phản ứng phụ của thuốc, dẫn đến cái chết của bé gái do phản ứng phụ của thuốc.
Rào cản ngôn ngữ trong việc chăm sóc y tế là một vấn đề đang cần được giải quyết ở khắp nước Mỹ, đặc biệt đang rất cần thiết ở những cộng đồng như Khu Little Saigon thuộc Quận Cam (bang California), nơi tập trung nhiều người Việt nhất ở bên ngoài Đông Nam Á. Gần 200.000 người chỉ có thể nói tiếng Việt đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế từ các bệnh viện và nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe, theo trang tin Orange County Register.
Trong khi đó, bác sĩ Danny Vo, làm việc ở Quận Cam hơn 10 năm, khẳng định bệnh nhân có quyền yêu cầu cung cấp dịch vụ phiên dịch. Nhưng theo một người gốc Việt thì nhiều người cùng cộng đồng đã không biết về quyền yêu cầu đó.
Luật liên bang và cấp bang của Mỹ yêu cầu bên cung cấp dịch vụ y tế phải có phiên dịch viên y khoa đạt chuẩn để hỗ trợ những bệnh nhân không sử dụng tốt tiếng Anh. Tuy nhiên, trong thập niên qua, Ban Chứng nhận phiên dịch viên y khoa quốc gia và Ủy ban Cấp chứng nhận phiên dịch viên y tế (Mỹ) cấp chứng nhận cho phiên dịch viên tiếng Việt không nhiều. Tính đến nay, Ban Chứng nhận phiên dịch viên y khoa quốc gia cấp chứng nhận phiên dịch viên y tế tiếng Việt cho 22 người, trong đó có 8 người ở Quận Cam. Còn Ủy ban Cấp chứng nhận phiên dịch viên y tế cấp chứng chỉ phiên dịch tiếng Việt cho 95 người, theo Los Angeles Times.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều bệnh viện ở Quận Cam đã bắt đầu gia tăng số lượng nhân viên và tận dụng các phiên dịch viên địa phương để cung cấp dịch vụ phiên dịch trực tuyến, theo trang Orange County Register. Chẳng hạn bệnh viện khu vực Fountain Valley đang sử dụng iPad để kết nối bệnh nhân với phiên dịch viên khắp nước Mỹ. Bằng cách này, Fountain Valley có thể cung cấp dịch vụ phiên dịch cho các bệnh nhân với hơn 200 ngôn ngữ.
Bình luận (0)