Chuyện tiêm vắc xin Covid-19 của người gốc Việt ở Mỹ

Đợt tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên khiến cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ có thêm hy vọng được về VN thăm gia đình hay được đón tết an lành tại Mỹ.

Những nhân viên y tế tại Mỹ, trong đó có người gốc Việt, nằm trong nhóm ưu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Trải nghiệm ở mỗi người là khác nhau nhưng về cơ bản, những người làm trong lĩnh vực y tế này đa phần tin tưởng vắc xin và mong muốn được chủng ngừa sớm để tiếp tục công việc trên tuyến đầu chống dịch của mình.

Phản ứng khác nhau

Chị Trang (30 tuổi, dược sĩ Bệnh viện MD Anderson ở Texas) sau khi tiêm xong mũi 1 của vắc xin Pfizer hôm 22.12 có triệu chứng mệt nhẹ, sốt và nhức mỏi toàn thân vài ngày sau đó. Trong khi anh Nam (30 tuổi, dược sĩ Bệnh viện Methodist, Texas) chích cùng ngày lại không thấy cơ thể có gì khác biệt. Anh nói: “Tôi vẫn làm việc đến 20 giờ rồi đi ăn uống với bạn đến 23 giờ đêm, sáng hôm sau đi làm bình thường”.
Anh Duy, bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Memorial-Houston, thì được tiêm vắc xin của Moderna. Dù đã được thông báo trước là triệu chứng phụ sẽ nặng hơn Pfizer nhiều nhưng anh vẫn không ngờ sẽ nặng như vậy. Vài tiếng sau khi tiêm vắc xin, anh đã bị sốt, nhức đầu và đau nhức khắp người đến tận bây giờ. Nhưng anh xem đây là dấu hiệu tốt khi cơ thể đã phản ứng với vắc xin và bắt đầu sản xuất bạch cầu chống lại vi rút.

Giáo hoàng Francis kêu gọi chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19

Những người gốc Việt lớn tuổi đều mong muốn được tiêm vắc xin sớm. Ông bà Minh - Nguyệt (75 và 63 tuổi, dược sĩ Bệnh viện MD Anderson) đã đăng ký chích vắc xin vào tuần sau khi có thuốc trở lại. Ông bà chưa đăng ký đợt đầu vì tuổi cao nên muốn xem tình hình, nhưng thấy mọi người chích hai tuần qua đều nói tốt. Ông bà năm nào cũng về Việt Nam nên nóng lòng muốn được chủng ngừa để yên tâm về thăm quê sau cả năm ở Mỹ. Ông bà Hải - Thê (73 và 61 tuổi) phấn khích và hồi hộp chuẩn bị lấy vắc xin. Cả hai chỉ mong muốn quay lại cuộc sống bình thường. Từ khi vắc xin được cấp phép ở Mỹ, công việc kinh doanh của ông bà thuận lợi trở lại. Ông bà Tuấn - Mai (2 dược sĩ của Bệnh viện Texas Women, Texas) cũng sẽ lấy vắc xin Moderna vào cuối tuần này.
Chuyện tiêm vắc xin Covid-19 của người gốc Việt ở Mỹ1

Tiệm nail người Việt ở Houston đông đúc ngày cuối năm 2020

Bà Nga (61 tuổi, phục vụ nhà hàng), bà Hằng (62 tuổi, kỹ sư tin học đã về hưu), và bà Thanh (61 tuổi) sống ở bang California đều mong ngóng đến lượt đi chích ngừa. Họ đều tin tưởng vào vắc xin vì cho là đã được kiểm chứng thực tế ở các y bác sĩ mấy tuần qua, nhất là sau khi Phó tổng thống Mike Pence và Tổng thống tân cử Joe Biden đều đã tiêm.
Trong khi đó, con cháu họ và những người trẻ lại có suy nghĩ trái ngược với thế hệ lớn tuổi. Giới trẻ chưa có ý định tiêm vắc xin Covid-19 ngay lúc này vì còn rất nhiều nghi ngại về độ an toàn cũng như hiệu quả, thời gian kháng thể, và lo rằng người chích ngừa vẫn có thể bị lây nhiễm, truyền bệnh cho người khác.

Nhiều biến chuyển và hy vọng

Từ khi có những tin tức tích cực về vắc xin, tâm lý của mọi người đã tốt lên, không còn nhiều lo ngại như trước đây. Với tâm trạng phấn khởi, vào những ngày lễ cuối năm, mọi người đã mạnh dạn chi tiền để mua sắm cho gia đình, trang trí, dọn dẹp nhà cửa đón năm mới.
Vắc xin không chỉ là tin vui cho những kiều bào ở quận Cam, San Jose (bang California), Atlanta (bang Georgia), Houston (bang Texas)... muốn về Việt Nam đón tết. Họ đang hy vọng một cái tết Tân Sửu với những hoạt động văn hóa đậm chất Việt như múa lân, đi chùa, hội chợ... cho vơi nỗi nhớ nhà và cho con em sinh tại Mỹ biết thêm về truyền thống nơi quê cha đất tổ. Cô Quỳnh (38 tuổi) mong ngóng được đi lễ chùa, mua sắm ở khu Phước Lộc Thọ như mấy năm trước. Những đứa trẻ cũng háo hức muốn được mặc áo dài đi chơi xuân.
Chuyện tiêm vắc xin Covid-19 của người gốc Việt ở Mỹ2

Chợ Việt Hoa đông người mua sắm dịp cuối năm, bãi đậu xe chật kín

Những ngày cuối năm, không khí ăn lễ ở Houston đã sống động hẳn lên, đường phố đông đúc trở lại. Khu người Việt ở Houston những ngày qua sáng đèn mừng Giáng sinh. Các cửa hàng làm tóc và nail tấp nập ngày đêm. Chợ Việt Hoa chen chúc người mua đồ về nấu tiệc cho gia đình. Các tiệm ăn thì không có nhiều thực khách vì phần lớn đều gọi đồ mang về nhưng tình hình kinh doanh cũng tấp nập. Theo ông Hào, chủ nhà hàng Hảo Hảo ở Houston, thời gian chờ đợi để lấy đồ ăn mang về là một giờ. Vừa nói chuyện, ông vừa trả lời điện thoại không ngừng của khách hàng.

90% dân số tiêm vắc xin Covid-19, nước Mỹ mới có miễn dịch cộng đồng

Anh Tú, chủ một tiệm nail ở phía bắc Houston, cho biết những ngày gần đây, khách hàng phải xếp hàng mấy tiếng mới được phục vụ. Doanh thu của tiệm gần bằng những năm trước đây, thậm chí có ngày còn nhiều hơn vì khách hàng đi bù sau thời gian dài bị cách ly.
Tại New York, không khí Giáng sinh và chờ đón năm mới cũng trở nên tưng bừng. Dù chưa thể quay lại bình thường như trước do vẫn còn những quy định giới hạn nhưng các cửa hàng đã đông người mua sắm, tàu điện ngầm cũng đông đúc trở lại, ai ai cũng túi to túi nhỏ sau một ngày “đại mua sắm” dịp lễ cuối năm.
Các cô thợ nail Brooklyn những ngày qua tất bật khi người Mỹ yên tâm đi làm đẹp vì có vắc xin. Đi qua mấy tiệm nail người Việt ở Brooklyn thấy chỗ nào cũng đông vui tấp nập, cả khách lẫn thợ đều đeo khẩu trang kín mít. Mấy cô thợ trung niên còn cẩn thận đeo thêm tấm chắn nhựa để đề phòng vi rút. Cô Jolie Phan (49 tuổi) vui vẻ kể: “4 ngày nay (21 - 24.12), khách đến xếp hàng dài lắm, làm không kịp nghỉ! Làm đẹp cho người ta ăn Giáng sinh và tết Tây.” Cô nói tiếp: “Ở đây ai cũng theo dõi tin tức vắc xin hằng ngày. Làm nghề nail ngồi sát khách hàng, cầm tay cầm chân nên chúng tôi cũng sợ lây bệnh. Nhưng mà vì “miếng cơm manh áo”, ai cũng phải cố gắng. Đợt tết Tây này tôi kiếm được kha khá, gửi về giúp gia đình và bà con chòm xóm. Covid-19 có chỗ nào mà không khó khăn”.
Mặc dù mọi chuyện đang tốt lên nhưng những bà con người Việt ở Mỹ vẫn bảo nhau cẩn thận hết sức. Kể cả sau khi có vắc xin, việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và những thói quen phòng chống dịch vẫn sẽ được duy trì để tất cả cùng an toàn.
Khi hỏi những người quen biết đủ các sắc tộc về việc có định đi chích vắc xin sớm mới biết người Việt mình “gan” nhất. Mọi người đều tuyên bố chắc nịch: “Có chứ!”. Cô Dung, 65 tuổi, thợ nail ở Brooklyn, không ngần ngại đáp lời: “Khi nào người ta cho là tôi đi liền! Chích cho yên tâm rồi còn sớm về VN thăm mẹ”. Ông Bái (gần 80 tuổi, bị bệnh Parkinson nhiều năm nay) cũng tương tự như vậy. Ông không được gặp người thân nhiều tháng nay vì sợ bị lây Covid-19. Ông cũng nằm trong diện ưu tiên 1B để được lấy vắc xin vào tháng 1.2021. Ông phấn khởi chia sẻ rằng những triệu chứng phụ cũng không làm ông nản lòng vì chỉ cần gặp được con cháu là rất vui rồi. Ông cũng nói thêm đã sống gần hết đời người nên chỉ muốn có vắc xin để không ai phải lo dịch bệnh nữa, còn ông sẽ đi du lịch trong những ngày còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.