Khi một tiền đạo bị bắt việt vị, anh ta và đội bóng của anh ta coi như không mất gì. Còn nếu không bị bắt việt vị, cái được hiển nhiên là một cơ hội ghi bàn rõ rệt. Vậy, Marcus Rashford (M.U) dại gì mà không tiếp tục lao theo quả bóng, chấp nhận “nguy cơ” (mà thật ra thì chẳng có gì là nguy) bị bắt việt vị. Đồng đội của Rashford, Bruno Fernandes, dĩ nhiên càng phải cố gắng lao theo quả bóng và ghi bàn, đơn giản vì Fernandes không việt vị. Tóm lại, các cầu thủ tấn công của M.U đã làm tốt nhất cả những gì họ cần làm. Hàng thủ Man City thì không làm tốt việc của họ. Thủ môn Ederson không thể lao lên cản phá trong khi các hậu vệ, nhất là Manuel Akanji, cũng không thể đuổi kịp bóng hoặc ngăn cản Fernandes. Đấy là khác biệt, và hệ quả là Fernandes ghi bàn cho M.U.
Rashford (thứ 2 từ trái sang) chạy theo bóng, nhưng cầu thủ dứt điểm là Bruno Fernandes |
Reuters |
Tất nhiên, người ta đã, đang và sẽ còn tranh cãi gay gắt vì Rashford đã việt vị trong pha bóng ấy. Dù tự biết mình việt vị, Rashford vẫn chạy theo quả bóng, mãi đến khoảnh khắc cuối cùng mới có dấu hiệu cố ý dừng lại để không chạm bóng. Ngay lúc ấy, Fernandes đã đuổi kịp bóng và ghi bàn. Rashford tất nhiên không gây ảnh hưởng gì đến thủ môn Ederson. Anh có gây ảnh hưởng đến trung vệ Akanji? Giả sử Rashford không hề tồn tại trong tình huống ấy, thì Akanji có kịp chạy về đoạt bóng hoặc cản phá cú sút của Fernandes?
Đấy là “cái nếu” không tồn tại, nên không có câu trả lời. Một trong những chỗ hoang đường nhất của môn bóng đá là người ta rất hay bàn “nếu này, nếu nọ”, trong khi cuộc sống cũng đã có câu “với chữ nếu, người ta có thể nhét được cả Paris vào một cái chai”. Luật việt vị, ngay từ thuở “khai thiên lập địa” đã phản logic rồi. Đấy là điều luật hay nhất, mà nếu không có nó thì không có môn bóng đá, nhưng đấy cũng là điều luật mãi mãi không thể thực thi hoàn toàn chính xác. Khi hệ thống hóa các quy định của trò chơi này để khai sinh môn bóng đá vào năm 1863, người ta đã tranh cãi và không tìm ra được giải pháp nào để quy định chặt chẽ 100% luật việt vị. Một nhóm người do vậy đã tách ra, chơi bóng theo cách khác, với quy định khác về luật việt vị. Và họ khai sinh ra môn bóng bầu dục (rugby).
Một mặt, Rashford có “gây ảnh hưởng” tới đối thủ hay không. Mặt khác, anh có “nỗ lực tranh bóng” hay không (nếu “có” thì anh bị phạt việt vị, theo luật, dù vẫn không chạm bóng). Tất cả đều thuộc quyền phán xét của trọng tài. Bản thân Rashford, nếu cần, sẽ cãi: “Tôi chạy theo bóng chứ không tranh bóng. Tôi không thể dừng lại vì đấy là lẽ tự nhiên của một cơ thể đang ở trong trạng thái chạy nhanh”. Tóm lại, Rashford hành xử theo hướng nếu may mắn, M.U sẽ có cơ hội ghi bàn. Còn nếu Rashford dừng lại, chắc chắn không có cơ hội. Thiên hạ chỉ nên chỉ trích chỗ dở của luật bóng đá. Petr Cech nói: “Các nhà làm luật bóng đá không hiểu bóng đá”. Nhưng, xin hỏi lại Cech: chẳng lẽ 160 năm qua, tất cả những nhà làm luật bóng đá đều không hiểu bóng đá (nên luật việt vị chưa bao giờ rõ ràng 100%)?
Phản ứng của Fernandes và Rashford sau khi bóng bay vào lưới là rất tự nhiên, gợi lại hình ảnh toàn đội Argentina phản ứng (ăn mừng) “như đúng rồi” khi Diego Maradona dùng tay ghi bàn tại World Cup 1986. Nếu như trọng tài có chịu phần nào ảnh hưởng từ hình ảnh của Rashford và Fernandes, thì đấy cũng là chỗ thông minh của các ngôi sao M.U, trong một vấn đề mà ai cũng biết là tùy thuộc hoàn toàn vào cảm tính của trọng tài. Bàn ấn định tỷ số 2-1 cho M.U, vài phút sau đó, càng khẳng định giá trị của Rashford trong giai đoạn này.
Bình luận (0)