Rất cần kho tư liệu di sản và đào tạo thiết kế

23/12/2018 09:07 GMT+7

Theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, muốn phát huy di sản cần có những kho tư liệu và tổ chức việc đặt hàng thiết kế.

* Các làng nghề của chúng ta dường như đang rất kẹt trong việc có những sản phẩm mới. Tới Vạn Phúc, khách du lịch thấy các mẫu trang phục giống hệt nhau trong các cửa hàng. Bà nghĩ thế nào về việc này?
- Tôi nghĩ, dự án kết nối nghệ sĩ với nhà máy, xưởng sản xuất của UNESCO đang cho chúng ta một tư duy mới. Họ đánh đúng vào thiết kế là cái mà VN chưa quan tâm. UNESCO thấy lỗ hổng. Chúng ta bỏ tiền ra để bảo vệ, làm luật nhưng chưa nghĩ đến việc tìm đường tạo ra di sản mới.
Hiện tại, VN đã tham gia cả 3 công ước của UNESCO. Nếu Công ước 1972 bảo vệ di sản vật thể, Công ước 2003 bảo vệ di sản phi vật thể thì Công ước 2005 về công nghiệp văn hóa, sản phẩm văn hóa. Đó là cái nhìn khai thác di sản để tạo nền tảng văn hóa. Nhờ đó, chúng ta sẽ có một thế hệ VN mang chất lượng di sản để tạo quyền lực mềm cho văn hóa. Như vậy, sẽ đánh thức được nhận thức xã hội để thấy di sản chúng ta đầy tiềm năng.
TS Lê Thị Minh Lý Ảnh: Ngữ Thiên
Các bạn cũng đã thấy nghệ nhân Vũ Hữu Nhung ở làng gốm Phù Lãng. Anh vừa là chủ thể di sản, vừa là nghệ sĩ và anh nâng tầm gốm Phù Lãng qua các sản phẩm kiểu dáng mới. Nó sẽ thay cho chum, vại, tiểu sành, những cái mà do nhu cầu đời sống người ta không cần nữa.
* Nhưng điều đáng lo là các sản phẩm sáng tạo từ di sản có nói đúng bản chất di sản không? Như đưa cồng chiêng từ không gian thiêng ra chơi giữa đường chẳng hạn, thưa bà?
- Đúng là sẽ có vấn đề, đôi khi những sáng tạo quá thăng hoa mà làm sai đi giá trị cốt lõi thì ai thổi còi. Phải có cơ quan nhắc nhở để sáng tạo không quá sai lạc mà thành văn hóa của người khác. Như vậy, chúng ta cần đặt vấn đề có cơ sở dữ liệu nào cho các nhà sáng tạo. Hiện tại, kho tư liệu di sản chưa có hoặc rời rạc và khó tìm với người sáng tạo.
Trong khi đó, ở Trung Quốc đã có cả trung tâm thông tin và mạng lưới thông tin di sản. Cái gì ở châu Á - Thái Bình Dương đều nằm trong dữ liệu đó. Người ta có thể vào đó tìm xem sản phẩm của mình có đúng giá trị cốt lõi không. Như thế mới tránh được việc như dùng sai đồ dùng mang tính thiêng của dân tộc ít người. Chúng ta phải ý thức khi chưa chuẩn thì chưa sáng tạo.
* Nếu đã đặt vấn đề biến di sản thành tiềm lực kinh tế, xây dựng công nghiệp sáng tạo thì việc tổ chức kinh doanh, marketing cũng quan trọng. Bà có thể cho ví dụ trên thế giới về điều này?
- Ở Pháp, mọi mặt hàng lưu niệm của 34 bảo tàng đều do Hội Bảo tàng quốc gia Pháp sản xuất. Họ nghiên cứu di sản của từng bảo tàng và thiết kế sản phẩm lưu niệm cho từng bảo tàng đó. Bảo tàng chỉ việc bán và được chia lợi nhuận. Hội lấy tiền đó đặt thành quỹ, quỹ dùng cho nhiều việc trong đó có việc tạo quyền lực mềm.
Chẳng hạn, hồi năm 2005, Bảo tàng Guimet tổ chức trưng bày văn hóa Chăm. Đó là triển lãm đầu tiên trên thế giới đầy đủ về văn hóa Chăm. Hiện tại, Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng đứng đầu về sưu tập văn hóa Chăm, sau đó là Guimet. Trưng bày đó mượn của nhiều bảo tàng, được tổ chức nhân chuyến thăm VN của Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Triển lãm đó làm hết 2 triệu euro, được quỹ của Hội Bảo tàng tài trợ. Sau đó, họ cũng ra nhiều sản phẩm như sách, đồ lưu niệm. Như vậy, họ vừa có lợi nhuận, lại vừa làm những vấn đề chính trị lớn.
Chúng ta phải có chính sách để các dự án phát triển sáng tạo, nếu không rất có thể nó lại bị quên lãng. Chẳng hạn, muốn khai thông vấn đề thiết kế, nhà nước cần có những đơn đặt hàng đào tạo thiết kế với các trường đại học mỹ thuật...
* Xin cảm ơn bà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.