Rất nhiều người nhận thức sai về tự kỷ

Như Lịch
Như Lịch
17/02/2019 09:07 GMT+7

“Bác sĩ ơi, bạn em học lớp 9, đang bình thường bỗng nhiên bị bệnh tự kỷ. Nó không muốn nói chuyện, không chơi với ai, suốt ngày rúc trong phòng...”.

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Khoa Sức khỏe tâm trí - Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết hiện có rất nhiều người quan niệm sai lệch như trên về hội chứng tự kỷ.

Nỗi oan của “bà mẹ tủ lạnh”

Tại hội thảo Tự kỷ - Những vấn đề cần quan tâm do Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí tổ chức ngày 16.2, diễn ra ở Đường sách TP.HCM, bác sĩ (BS) Lâm Hiếu Minh khẳng định: “Có rất nhiều người, nhất là những người trẻ thường quan niệm tự kỷ là không nói chuyện, không tiếp xúc với ai, sống khép kín, trầm buồn… Đó không phải là hội chứng tự kỷ mà có thể là rối loạn cảm xúc, trầm cảm hoặc gì đó. Ngay cả một số người làm chính sách cũng chưa hiểu đúng và cho là tự kỷ do chơi game nhiều. Vì vậy, một trong những mục đích chính của hội thảo là góp phần làm thay đổi nhận thức cộng đồng”.
Đồng tác giả cuốn sách Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ, BS Lâm Hiếu Minh cho rằng tự kỷ không phải là bệnh mà là rối loạn phát triển lan tỏa. Tự kỷ là hội chứng bẩm sinh, có đặc trưng là rối loạn nặng nề về tương tác xã hội, giao tiếp và vấn đề liên quan đến hành vi cũng như sự phát triển, nên mới gọi là rối loạn phát triển lan tỏa (lan tỏa ra nhiều hoạt động sống, nhiều hoạt động về mặt tâm thần).
Theo BS Minh, tự kỷ không có nguyên nhân đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Những tổn thương thần kinh trong bụng mẹ, ô nhiễm môi trường… cũng có thể liên quan đến tự kỷ. Những triệu chứng đầu tiên của tự kỷ xuất hiện khi đứa trẻ dưới 3 tuổi và toàn bộ các triệu chứng phải phát ra trước 5 tuổi.
“Ở VN, chẩn đoán sai nhiều nhất là chẩn đoán nhầm lẫn giữa chậm phát triển tâm thần và rối loạn tự kỷ. Rất nhiều cháu sau khi bị chẩn đoán tự kỷ một thời gian thì được chẩn đoán lại là chậm phát triển tâm thần. Cho nên, việc chẩn đoán tự kỷ là cả quá trình và cần cả ê kíp đánh giá gồm BS tâm thần nhi, chuyên viên tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhân viên xã hội”, BS Minh lưu ý.
Cô Võ Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, nêu thực tế có nhiều phụ huynh không hiểu về hội chứng này nên thường đổ thừa lẫn nhau. Trong đó, người thường phải chịu nhiều oan ức nhất là bà mẹ. Theo cô Thùy, bên Mỹ từng đề cập khái niệm “bà mẹ tủ lạnh” để nói những bà mẹ chỉ biết đi làm mà không chăm sóc, dạy dỗ con... dẫn đến con bị tự kỷ. Thực ra, những đứa trẻ đó bị rối loạn từ trong bụng mẹ chứ không phải do cách nuôi. Cách nuôi không tốt làm cho đứa bé bị nặng hơn hoặc mất đi tuổi vàng can thiệp”.

Từ đau khổ đến hạnh phúc

Người tự kỷ có thể yêu đương, lập gia đình ?
Tại hội thảo, một khán giả đặt câu hỏi: “Người tự kỷ có thể yêu đương, lập gia đình được không?”.
BS Lâm Hiếu Minh nói: “Người tự kỷ vẫn phát triển bình thường về mặt sinh sản và sinh dục. Có điều, họ bị ảnh hưởng phần tương tác cảm xúc và giao tiếp nên khi lớn lên thường rất khó tìm được người yêu. Thực tế, cũng có người tìm được “đối tượng” nhưng tỷ lệ lập gia đình rất ít”.
Khi con trai đầu lòng lên 2 tuổi, vợ chồng chị Vũ Thị Huế (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) rất sốc khi phát hiện con mắc hội chứng tự kỷ. Theo chị Huế, đến lúc gia đình chị chấp nhận tình trạng của con thì chị không hối thúc con tiến bộ từng ngày. Chị kể: “Con chuyển từ ăn cháo sang ăn cơm phải mất 6 tháng để tập nhai. 10 tuổi nhưng bé mới biết tự đi tiêu, đi tiểu được cách đây 4 tháng. Nói chung, nuôi con tự kỷ gồm nhiều cung bậc cảm xúc, từ đau khổ nhất cho đến hạnh phúc nhất và bắt đầu từ những cái nhỏ nhoi thôi”.
Cô Võ Thị Thùy cho hay tuổi can thiệp tốt nhất của trẻ tự kỷ là từ khi phát hiện lúc 12 tháng hoặc sớm hơn, cho đến 3 - 4 tuổi. Số học sinh ra hòa nhập được hầu hết dưới 6 tuổi, còn trên 6 tuổi thì “măng đã thành tre” nên can thiệp rất chậm và rất lâu.
Đại diện Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí cho rằng những trẻ tự kỷ không thể ngồi từ sáng tới chiều trong lớp được, mà phải được dạy bằng những trò chơi, hoạt động, học lý thuyết 1 nhưng thực hành 10. Vị này dẫn chứng: Chỉ riêng dạy đánh răng cho trẻ thôi mà bà nói với giáo viên phải kiên trì từng chút, thường xuyên nhắc trẻ từ 500 - 5.000 lần mới hy vọng các em có tiến bộ.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.