Ở trường tôi, trước đây nhà trường hay than phiền vì khoản chi phí điện nước mỗi tháng cứ ngày một tăng cao, do không biết tiết kiệm. Nhiều lần sau buổi học, bác bảo vệ của trường vẫn bắt gặp vòi nước ở bồn rửa tay tràn lênh láng hoặc đèn điện vẫn sáng, quạt máy vẫn chạy vù vù, dẫu cho học sinh đã ra về từ hồi nào.
Từ thực tế đó, bắt buộc mỗi nhà trường phải nâng cao ý thức của học sinh xung quanh việc tiết kiệm năng lượng nói riêng và hình thành các hành vi ứng xử theo chuẩn mực nói chung.
Đưa hoạt động tiết kiệm điện vào nội quy nhà trường
Mức độ nắng nóng đang ngày càng gia tăng cùng với những biến động thời tiết bất thường. Lượng điện năng sử dụng liên tục lập kỷ lục, tình hình tiêu thụ điện được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao làm tăng nguy cơ quá tải dẫn đến sự cố cháy nổ, gây mất an toàn tới sức khỏe và tính mạng con người. Tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra ở nhiều tỉnh thành đặt cuộc sống của người dân vào khó khăn, buôn bán ế ẩm…
Những trở ngại trong cuộc sống thường nhật giữa bối cảnh nắng nóng gia tăng đòi hỏi toàn dân chung tay với ngành điện. Mọi người phải hình thành thói quen tiết kiệm điện để san sẻ nguồn năng lượng, tiết kiệm chi phí sinh hoạt, gìn giữ tài nguyên và bảo vệ môi trường sống hiện tại và cả cho tương lai. Do vậy, điều trước tiên là phải giáo dục cho học sinh để các em nhận thức sâu rộng về ý nghĩa của việc tắt bớt bóng đèn, tận dụng gió trời…
Trường học là nơi vun bồi ý thức, hình thành thói quen tiết kiệm điện cho học sinh và biến mỗi bạn nhỏ trở thành những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa thông điệp sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm đến người thân và cộng đồng.
Đưa hoạt động tiết kiệm điện vào nội quy nhà trường và yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm túc việc tắt bóng đèn vào mùa hạ, tắt quạt máy vào mùa đông. Tận dụng ánh sáng mặt trời và nguồn gió tự nhiên bằng cách mở rộng cửa, cột gọn màn cửa sẽ giúp không gian thoáng đãng và giúp người học tập trung, tỉnh táo, cải thiện tâm trạng.
Tắt các thiết bị điện vào giờ ra chơi, khi chuyển phòng học, kiểm tra nguồn điện các phòng chức năng trước khi ra về… là việc làm cần thực hiện thường xuyên, quán triệt cụ thể đối với cán bộ giáo viên, học sinh trong trường.
Tiêu chí tiết kiệm điện phải trở thành một phần bắt buộc trong thi đua giữa các tập thể lớp. Tuyên dương và khen thưởng các lớp thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm năng lượng cũng như phê bình, trừ điểm thi đua và thậm chí là phạt tiền nếu tập thể nào vi phạm việc lãng phí điện, nước…
Lời nhắc nhở từ thầy cô, bài tuyên truyền trên trang tin chung của nhà trường, những phân tích thiệt hơn trong các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa… sẽ đánh động ý thức của học sinh.
Bên cạnh đó, hãy tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm để học sinh trực tiếp tham gia các cuộc thi tiết kiệm năng lượng, đề xuất giải pháp tiết kiệm điện… Từ đây, các em sẽ thông hiểu hơn về ý nghĩa của vô vàn hành động nhỏ - tác động lớn!
Trẻ em là tương lai của đất nước nên sẽ tuyệt vời vô cùng khi lớp lớp măng non trưởng thành mang trong mình trọn vẹn ý thức tiết kiệm điện, biết ứng xử tử tế với tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống thiên nhiên trong lành.
"Tiết kiệm điện thành thói quen" với tổng giải thưởng 99 triệu đồng và quà tặng
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)