Muôn kiểu lừa đảo
Ngày 21.3, BBC đưa tin Frank Ludlow (59 tuổi) bị bắt tại một bưu điện phía tây hạt Sussex (Anh) với cáo buộc làm giả bộ dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Các bộ xét nghiệm này được quảng bá giúp người dùng xác định có nhiễm vi rút hay không, nhưng thực chất lại chứa các loại hóa chất thường được dùng để súc miệng. Không chỉ xuất hiện ở thị trường trong nước, sản phẩm này còn được bán sang Mỹ.
Trước đó một ngày, AFP đưa tin Công ty Gojo Industries bị một nhóm khách hàng ở bang Ohio (Mỹ) kiện vì “quảng cáo sai lệch”. Theo đó, các khách hàng cho rằng sản phẩm nước rửa tay Purell của hãng này không có kết quả sát khuẩn “99,9% vi rút gây bệnh” như thông tin trên nhãn. Họ khẳng định không có bằng chứng khoa học nào chứng minh Purell giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và các bệnh như cúm, cảm lạnh thông thường như công ty này quảng bá.
|
Trên Amazon, sản phẩm nước rửa tay này được nâng giá gấp gần 10 lần từ khi Covid-19 bùng phát, từ 12 USD (chưa đến 300.000 đồng) lên119 USD (gần 3 triệu đồng) cho 2 chai 240 ml. Vào tháng 1.2020, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã từng cảnh báo Gojo không được quảng cáo sai sự thật khi hãng tuyên bố nước rửa tay Purell có khả năng tiêu diệt vi rút Ebola.
Gần đây, nhiều người dân tại bang Michigan (Mỹ) bất ngờ nhận được điện thoại từ những người giả mạo là nhân viên của cơ sở y tế công cộng địa phương yêu cầu mua thuốc và cung cấp thông tin cá nhân để thanh toán. Sau khi vụ việc xảy ra, các cơ sở y tế công cộng ở Michigan nhận hàng ngàn cuộc điện thoại phản ánh của người dân. Điều này khiến đường dây nóng tắc nghẽn, gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.
“Những kẻ lừa đảo sẽ không từ thủ đoạn nào để lấy thông tin cá nhân của người dân. Và chắc chắn những lời hứa hẹn cung cấp thuốc men sẽ không bao giờ được thực hiện”, bà Dana Nessel, Tổng chưởng lý bang Michigan, nhận định.
Tại bang Illinois, hàng loạt email tự xưng là Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) mời chào thuốc chữa trị hoặc phòng ngừa bệnh gây ra bởi vi rút SARS-CoV-2 liên tục được gửi đến người dân. Hóa chất khử trùng hay tinh dầu, cơm cháy và cả tỏi cũng được những email này giới thiệu là có thể đối phó với Covid-19.
Tại Úc, chính quyền ghi nhận được 94 báo cáo gian lận về quảng cáo có liên quan đến vi rút kể từ 1.1.2020, con số này đang tăng lên. Những kẻ lừa đảo đa phần mạo danh các tổ chức chính thức như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Úc.
Phạt nặng quảng cáo sai lệch
Frank Ludlow, người bán bộ xét nghiệm giả ở Anh, bị buộc tội lừa đảo và sản xuất dược phẩm bất hợp pháp. Ông này ra trước Tòa án Brighton Magistrates vào ngày 21.3 và bị tạm giam cho đến ngày 20.4 chờ nghe phán xét cuối cùng, cảnh sát London cho biết.
Hàng loạt bang ở Mỹ ra thông báo cảnh báo người dân nên cảnh giác về những vụ lừa đảo liên quan đến Covid-19. Riêng đảo Guam (Mỹ) đưa ra mức phạt tối thiểu 5.000 USD cho mỗi hành vi quảng cáo sai sự thật bị phát hiện.
Trong khi đó, trang web chính thức của chính phủ Canada đưa ra thông báo sẽ trấn áp những hành vi quảng cáo lừa đảo và bất kỳ hoạt động cạnh tranh không lành mạnh nào khác để bảo vệ người tiêu dùng.
“Chúng tôi muốn đảm bảo với người dân Canada rằng Cục Cạnh tranh vẫn cảnh giác đối với các hành vi cạnh tranh có hại hoặc lợi dụng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay”, Cục trưởng Cục Cạnh tranh Matthew Boswell cho biết.
Chính phủ Úc khuyến cáo người dân tỉnh táo, tiếp cận thông tin từ nguồn tin cậy và phản ánh ngay nếu phát hiện hành động phạm pháp nào đó.
Bình luận (0)