Chờ nghị định hướng dẫn
Bộ Công thương mới có văn bản gửi Thủ tướng về việc bàn giao không tính phí (bàn giao 0 đồng) lưới điện 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành. Theo đó, việc chuyển giao sẽ được thực hiện theo quy định của nghị định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN sau khi nghị định được ban hành, có hiệu lực.
Thời gian qua, nhiều dự án năng lượng tái tạo không được phát lên lưới điện quốc gia do quá tải |
Ngọc Thắng |
Trước đó, góp ý cho vấn đề này, Bộ KH-ĐT cho rằng quy định hiện hành cho phép các nhà đầu tư tư nhân chuyển lưới điện truyền tải do họ đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành. Do đó đề nghị Bộ Công thương đánh giá ưu và nhược điểm giữa 2 phương án: Nhà đầu tư tự vận hành hoặc bàn giao cho EVN nhằm làm rõ hơn sự cần thiết phải bàn giao công trình truyền tải 500 kV cho EVN. Trường hợp chuyển giao cho EVN quản lý, thì nên thực hiện sau khi nghị định về chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN được ban hành. Là cơ quan đang xây dựng nghị định, Bộ Tài chính cho rằng việc bàn giao công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài nhà nước sang EVN quản lý có thể được thực hiện theo các cơ chế như mua bán giữa các doanh nghiệp theo quy định; hoặc nhà đầu tư thực hiện biếu, tặng, cho theo đúng quy định, nếu như việc bàn giao thực hiện trước khi nghị định có hiệu lực. Bộ Tư pháp cũng đồng ý kiến với Bộ Công thương rằng EVN nên tiếp nhận, quản lý lưới điện này khi có đủ cơ sở pháp lý.
Tập đoàn Trung Nam đầu tư Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, H.Thuận Nam, Ninh Thuận kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng. Dự án có công suất 277,88 MW được hưởng giá điện 9,35 US cent/kWh do nằm trong phạm vi 2.000 MW công suất điện mặt trời tích lũy trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Phần công suất còn lại hơn 172 MW chưa được xác định cơ chế giá. Mới đây, Công ty Mua bán điện thuộc EVN đã có thông báo dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện này, kể từ 0 giờ ngày 1.9.
Trong tương lai, chúng ta đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh, nhà sản xuất ra điện có thể bán trực tiếp cho người dùng, không cần qua EVN, nhằm giảm chi phí và có thể chủ động hoàn toàn việc phát điện lên lưới thì mọi thứ sẽ khác.
Thực tế, việc thiếu quy định hướng dẫn về bàn giao tài sản lưới điện cho nhà nước sau khi nhà đầu tư tư nhân hoàn thành xong công trình hạ tầng được cảnh báo khi có chủ trương cho tư nhân làm đường dây truyền tải điện. Thế nhưng, đường truyền tải làm xong, quy định nhận bàn giao đến nay chưa có. Trong khi đó, dự thảo nghị định về chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN hiện do Bộ Tài chính chủ trì, đã được Bộ Tư pháp thẩm định hồi tháng 6 năm nay, vẫn đang được “hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính có tờ trình Chính phủ nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN. Theo Bộ này, việc chậm bàn giao công trình điện là tài sản công sang EVN gây khó khăn trong quản lý, bàn giao, tiếp nhận các công trình điệ đảm bảo an toàn, kịp thời phục vụ cung cấp điện.
Rõ ràng, minh bạch mới bàn giao
GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, nhận xét: Tuy cho tư nhân tham gia làm đường truyền tải cho các dự án điện của nhà đầu tư, nhưng theo luật Điện lực, nhà nước vẫn độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia. Trong tương lai, luật sửa đổi, có thể cho tư nhân vừa xây dựng vừa vận hành hệ thống điện, nhưng giờ chưa có văn bản quy định nào để việc bàn giao được tiến hành; và mức phí, giá truyền tải điện được tính toán thế nào cũng chưa rõ.
Ông Long nói: “Bất kỳ công trình nào được đầu tư xây dựng đều phải có sự thỏa thuận, cam kết trước giữa bên bán điện và bên mua; giữa nhà đầu tư và đơn vị tiếp nhận. Trong đó, các phương án, giá phí truyền tải phải được tính toán đưa vào hợp đồng và được phê duyệt trước khi khởi công, xây dựng dự án nhằm tránh rủi ro cho cả 2 bên. Nếu đúng như thỏa thuận, hợp đồng thì cứ theo đó mà làm. Còn trong thỏa thuận chưa lường trường hợp phát sinh thì 2 bên cùng ngồi lại với nhau để bàn tính giải quyết. Phải có giải pháp tối ưu để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp”.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm thừa nhận rất ít nhà đầu tư tư nhân chịu làm đường truyền tải điện bởi cần vốn lớn, ngoại trừ dự án đó gắn với quyền lợi của họ trong việc đầu tư điện. Ở đây, nhà đầu tư làm dự án điện mặt trời có công suất rất lớn, nếu chờ đường truyền tải điện của nhà nước làm thì không biết đến bao giờ, nên xin chủ trương đầu tư đường truyền tải. Ngược lại, về phía nhà nước, để đầu tư đường tải điện cũng cần nguồn vốn lớn, nên mới có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia làm truyền tải điện.
“Chúng ta mới bắt đầu khuyến khích và có chủ trương để tư nhân tham gia vào đầu tư đường truyền tải điện, đây là dự án đầu tiên, cũng có thể coi như dự án mẫu để trên cơ sở đó làm luật cho chính xác, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng và hiệu quả cho nhà đầu tư. Theo như trình bày của Bộ Công thương, chúng ta xây dựng quy định về pháp luật đi sau nhu cầu. Thế nên cần sớm có nghị định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN để việc chuyển giao đường dây tải điện 500 kV cho EVN đúng pháp lý”.
“Đó là chính sách đúng đắn, nhưng đúng hơn là trong quy hoạch điện, phải làm đường dây lưới trước, lúc đó mới biết đặt nhà máy điện mặt trời hay điện than… ở đâu, khi phát được điện là nối vào lưới luôn. Trong tương lai, chúng ta đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh, nhà sản xuất ra điện có thể bán trực tiếp cho người dùng, không cần qua EVN, nhằm giảm chi phí và có thể chủ động hoàn toàn việc phát điện lên lưới thì mọi thứ sẽ khác. Hiện việc bàn giao lưới điện của tư nhân sang cho EVN quản lý, vận hành, mà EVN là doanh nghiệp nhà nước, nên bất luận thế nào tài sản đơn vị này tiếp nhận phải được đánh giá đúng, chính xác”, ông Lâm nhận xét.
Chuyên gia này cũng giải thích: Gọi là “bàn giao 0 đồng”, nhưng cũng không nên hiểu là cho không, biếu không. Theo luật hiện hành, giá trị tài sản phải được đánh giá lại, thuế thế nào, chi phí vận hành ra sao hay quy định việc doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận tài sản từ nhà đầu tư tư nhân thành tài sản công thế nào...; chứ không phải nói đầu tư mấy nghìn tỉ đồng, nhận đi là xong. Việc tính phí tải bao nhiêu đồng sẽ được tính sau khi bàn giao. Thế nên cần có pháp lý rõ ràng, minh bạch rồi hẳn bàn giao. Bên cạnh đó, lưới điện truyền tải phục vụ truyền tải chung trong hệ thống điện quốc gia thì do ngành điện chịu trách nhiệm nên tính an toàn và hiệu quả được yêu cầu rất khắt khe. Nếu bàn giao mà chưa rõ ràng sẽ không thể kiểm soát được chất lượng, chi phí đầu tư và hiệu quả. Đó là chưa nói các tiềm ẩn nguy cơ sự cố, hư hỏng thiết bị, tổn thất điện năng…
Bình luận (0)