Rối loạn cương có thể báo hiệu 2 bệnh nguy hiểm này

Thiên Lan
Thiên Lan
08/05/2022 00:06 GMT+7

Hầu hết đàn ông không thích nói về rối loạn cương, nhưng nó lại phổ biến một cách đáng ngạc nhiên.

Hơn 30% nam giới ở độ tuổi 40 - 70 gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng, theo trang web của Trường Y Johns Hopkins (Mỹ).

Các chuyên gia cho rằng rối loạn cương cứng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của cả bệnh tim và tiểu đường - hai bệnh lý có khả năng đe dọa tính mạng.

Nhiều đàn ông gặp phải chứng rối loạn cương

Shutterstock

Bệnh tim, cholesterol cao, huyết áp cao và bệnh tiểu đường đều có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến “cậu nhỏ”, từ đó gây ra rối loạn cương.

Dược sĩ Abbas Kanani, Giám đốc của Chemist Click (nhà thuốc từng đoạt giải thưởng của Anh), cho biết điều tối quan trọng là phải theo dõi tần suất rối loạn cương. Nếu bị thường xuyên, cần đi khám để ngăn ngừa các vấn đề tim mạch nghiêm trọng.

Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật tiết niệu của Anh nhận thấy 90% đàn ông gặp vấn đề về cương là do nguyên nhân về thể chất, 40% bệnh tim mạch và 33% bệnh tiểu đường, theo Express.

Nghiên cứu của Trường Y Johns Hopkins cho thấy gần 50% nam giới mắc bệnh tiểu đường cũng bị rối loạn cương.

Một nghiên cứu khác của Đại học California San Francisco (Mỹ) cũng đã ghi nhận nguy cơ phát triển bệnh mạch vành tăng 80% sau 10 năm ở những người dưới 50 tuổi bị rối loạn cương, theo trang web của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ NCBI.

Bệnh tim có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến “cậu nhỏ”, từ đó gây ra rối loạn cương

Shutterstock

Nên chú ý điều gì?

Rối loạn cương có thể khiến nam giới xấu hổ nên thường họ không muốn nói đến. Mặt khác, khi đi khám bệnh, vì tập trung vào vấn đề này nên nhiều nam giới bỏ qua các triệu chứng bệnh tim như khó thở hoặc đau ngực.

Nếu thường xuyên gặp rối loạn cương, hãy đi khám để được tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim, theo Johns Hopkins.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.