Vùng sâu, vùng xa dễ đứt gãy nguồn cung ?
Trong gần 2 tháng vừa qua, H.Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) luôn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Cả đảo chỉ có 3 cửa hàng xăng mặt đất và một cửa hàng xăng dầu mặt nước với tổng dung tích 250 m3 cung ứng ra thị trường tối đa đủ cho 7 ngày, tàu dầu cung ứng khoảng 17 ngày. Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ kéo dài tại huyện đảo này. Đó là một cửa hàng xăng dầu trên mặt đất đóng cửa đột ngột, khiến lượng khách đổ dồn về 2 cửa hàng còn lại, gây ra tình trạng thiếu hụt.
Nguyên nhân thứ hai là cả đảo chỉ có Công ty D.Đ là đơn vị duy nhất vận chuyển và cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện, chưa có đơn vị vận chuyển khác tham gia để kịp thời điều tiết hay áp dụng biện pháp dự phòng. Để xảy ra tình trạng nguồn cung ứng xăng dầu tại Côn Đảo gặp nhiều khó khăn chủ yếu do đơn vị cung ứng chậm, không đúng theo kế hoạch điều tiết hàng hóa của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và chỉ cung cấp được một phần đơn hàng.
Ngoài ra, các cửa hàng xăng dầu chưa có kho dự trữ nhiên liệu. Hàng nhập chừng nào thì bán hết chừng đó và chờ nhập tiếp. Thế nên, khi xăng dầu chở ra không kịp, huyện đảo liên tục xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt vào mùa mưa bão, tình trạng thiếu xăng dầu càng nhiều hơn. Thế nên, theo phản ảnh của nhiều bạn đọc đến Báo Thanh Niên, nhiều ngày liền tại Côn Đảo, người dân buộc phải chi 30.000 đồng mua một lít xăng để đi lại, trong khi giá bán thực tế tại cây xăng chỉ 22.000 đồng/lít. Thậm chí, khi xăng chở về đến cửa hàng, nhiều người xếp hàng cũng chỉ đổ được cao nhất là 50.000 đồng đối với xe gắn máy.
Trong thực tế, tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ vẫn xảy ra thường xuyên tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa khi xe của thương nhân phân phối chở hàng lên không kịp, doanh nghiệp bán lẻ lại không thể lấy hàng từ các nguồn khác để bán. Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái), cho rằng quy định độc quyền mỗi thương nhân phân phối chỉ bán hàng trong hệ thống, không bán ngoài hệ thống khiến thị trường đứt gãy khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, tại các địa phương có thời tiết khắc nghiệt như bão lũ, mưa lớn, sóng gió…, nguồn cung rất dễ bị gián đoạn.
Hiện giá xăng dầu bán lẻ được phân thành 2 vùng, giá bán tại vùng 2 (xa cảng, xa kho đầu mối, xa nhà máy sản xuất…) như Yên Bái hay Côn Đảo được cộng thêm 2% so với giá bán lẻ thuộc vùng 1. Chẳng hạn, dầu có giá 18.200 đồng/lít, thêm 2% thì được cộng thêm 364 đồng/lít khi bán ra, nhưng trong thực tế giá đội lên cao hơn. Thêm 364 đồng/lít chỉ bù cước vận tải đến trung tâm TP.Yên Bái, còn vào các huyện miền núi nữa thì chi phí đội lên có thể đến 3% giá cơ sở. Đó là chưa tính tỷ lệ hao hụt vận chuyển xăng dầu ra đảo, lên vùng núi rất lớn, thế nên nhiều nhà phân phối không lấy hàng kịp về bán tại các vùng sâu, vùng xa khi nguồn cung đứt gãy cục bộ, phát sinh nhiều cây xăng "cục gạch" giá cao hơn đến 35%, từ 22.000 đồng lên 30.000 đồng/lít xăng, giá dầu cũng "kéo" từ 18.000 đồng lên 25.000 - 26.000 đồng/lít bằng hình thức tự phát này.
Cần sớm sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu
"Những bất cập của thị trường xăng dầu hiện nay phần lớn do các quy định tại Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có quá nhiều bất cập, lạc hậu và gây bí bách, nhưng quá chậm sửa đổi. Hiện tại, chúng ta thấy thị trường xăng dầu đang hoạt động có vẻ "sóng yên biển lặng", điều hành tăng giảm theo giá thế giới, chiết khấu vài trăm đồng một lít không ai kêu ca... Trong thực tế, các cửa hàng xăng dầu thuộc vùng 2 nằm sát vùng 1 thì rất khó bán hàng vì giá cao hơn. Khi nguồn cung bị đứt gãy, các cửa hàng xăng dầu ngoài hệ thống của nhà phân phối A không thể lấy hàng từ nhà phân phối B. Quy định chỉ lấy được một nguồn hàng này đã khiến cả nhà phân phối lẫn doanh nghiệp bán lẻ khó khăn", bà Nguyễn Thị Sinh nêu quan điểm.
Trước thông tin Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ thực hiện bảo dưỡng định kỳ từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 10 (khoảng 55 ngày), đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, nguồn hàng thay thế của Petrolimex sẽ đến từ việc nhập khẩu từ các nước ASEAN và khu vực lân cận với giá cả cạnh tranh và tối ưu nhất chi phí. Trong quý 3, áp lực nguồn cung xăng dầu sẽ không căng thẳng như cùng kỳ 2022. Petrolimex sẽ đảm bảo được nguồn phân phối xăng dầu cho quốc gia.
Trong nghiên cứu về "Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu VN và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình" do Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược VN (VESS) công bố mới đây phân tích: Một loạt các quy định tại Nghị định 95 và Nghị định 83 đã và đang gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường, thậm chí xuất hiện các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.
Chính những quy định mang tính kiểm soát chặt chẽ trong chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ tạo thành hiện tượng độc quyền bán, qua đó duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp; nhiều điều kiện hoạt động khắt khe (như quy định khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng) cản trở các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia thị trường kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu.
Đặc biệt, các thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu hiện nay theo tỷ lệ không những khiến giá xăng dầu cao, mà còn khuếch đại tính bất ổn của giá xăng dầu. VESS đề xuất cải cách thị trường xăng dầu dựa trên hai định hướng. Đó là tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung ứng ra, từ xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn. Hướng cải cách thứ hai là tăng tính cạnh tranh của thị trường trên tất cả các phân đoạn nói trên, qua việc giảm điều kiện kinh doanh để nhiều doanh nghiệp có cơ hội tham gia thị trường.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định, thị trường xăng dầu chưa ổn định khi chưa coi trọng dự trữ, điều hành xăng dầu bằng bao cấp, cho tăng giá hay giảm giá cũng phụ thuộc vào trên duyệt và theo chu kỳ, vì vậy không kịp thời, bình ổn bằng tiền nên hiệu quả thấp, khi giá tăng cao quá, trích nhiều quỹ bình ổn bị âm. Việc chậm sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu đang khiến thị trường xăng dầu bất ổn. Ngay cả trường hợp đứt gãy cục bộ tại Côn Đảo vừa qua, nếu cho thị trường tự điều chỉnh, tự hạch toán thì đã có nguồn hàng chủ động hoặc thay thế rất sớm khi tàu chở dầu kia bị trục trặc, chậm đăng kiểm. Ngoài ra, thị trường xăng dầu đang trao quyền cho doanh nghiệp đầu mối quá lớn, họ được cấp quyền nhập khẩu lẫn phân phối, định cả mức lời lãi cho doanh nghiệp bán lẻ, thống lĩnh thị trường và có dấu hiệu "ép" doanh nghiệp bán lẻ nhỏ lẻ. Vấn đề này đã và đang gây bức xúc cho bán lẻ, yếu tố bất ổn, thiếu công bằng, thiếu minh bạch cũng nằm ở đây.
"Chúng ta chậm sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu ngày nào sẽ khiến thị trường bị động, lúng túng và lợi ích lại tập trung vào nhóm phân phối lớn, đầu mối lớn mà thôi", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Bình luận (0)