Quốc Thảo từng là kép chánh của sân khấu 5B, rồi diễn sang nhiều sân khấu khác. Tên tuổi của anh đã khắc sâu vào lòng khán giả dù anh có thời gian định cư ở nước ngoài khá lâu. Giờ anh trở lại, gầy dựng sân khấu tại địa chỉ 81 Trần Quốc Thảo (TP.HCM) vẫn với chủ trương nghiêm túc của mình. Nhưng đêm 7.4, khán giả đã gặp lại Quốc Thảo với một diện mạo khác hơn…
Nắng chiều là kịch bản mà Quốc Thảo và Nguyễn Thị Minh Ngọc viết chung và được IDECAF dàn dựng cách đây mười mấy năm với dàn nghệ sĩ gạo cội như Tú Trinh, Hữu Châu, Thanh Thủy, Minh Hoàng… Nay Quốc Thảo đạo diễn lại, thổi vào đó không khí hiện đại hơn, với những thủ pháp, những đạo cụ, những chi tiết đời sống rất cập nhật xã hội, rất nhanh gọn và mới mẻ. Đặc biệt cách chuyển cảnh được xử lý khéo léo. Đúng là một Quốc Thảo luôn tìm tòi sáng tạo chứ không chịu dừng ở những thành công quá khứ. Hơn 50 tuổi, nhưng Quốc Thảo vẫn năng động và trẻ trung trong nghệ thuật.
|
Nhưng kịch bản vẫn làm khán giả khóc thật nhiều. Bởi Quốc Thảo giữ vẹn nguyên cái hồn Việt trong nội dung và diễn xuất. Nắng chiều như ngọn gió mát thổi vào phố thị ngày nay với những tất bật, lo toan, với những người trẻ mãi mê kiếm tiền mà quên đi cha mẹ đang sống lặng lẽ bên mình. Cha mẹ lo cho con từng bữa ăn, từng giấc ngủ, rồi quán xuyến nhà cửa, đưa đón cháu nội cháu ngoại… Cha mẹ còn hơn cả ô-sin, một loại ô-sin không hề được lãnh lương. Cha mẹ lặng lẽ đứng sau lưng các con, lặng lẽ hi sinh, lặng lẽ mỏi mòn. Cha mẹ như tia nắng chiều chỉ còn đủ sức sáng rực lên đôi chút trước khi tắt lịm, mà các con nào đâu biết, để khi nắng tắt rồi thì khóc không kịp nữa.
Quốc Thảo đảm nhận luôn vai ông Ba, và anh đã chinh phục trái tim người xem với diễn xuất tài nghệ của mình. Gương mặt hiền lành của Quốc Thảo, cộng với giọng nói hiền lành, và cách đi đứng chậm chạp run run của người già cứ làm khán giả rưng rưng. Một Quốc Thảo không hề mất phong độ. Bao nhiêu fan của anh ngồi dưới khán phòng tỏ lòng yêu mến.
Đại Nghĩa và Lê Giang cũng vào vai già, mà phải làm “nhiệm vụ” hài hước, điểm vào vở diễn những tràng cười vui vẻ. Nhưng không ngờ những lớp diễn bi mà hai anh chị này vẫn làm ngọt xớt, để người ta khóc, và cũng ngạc nhiên vì họ thật đa năng. Lê Giang tâm sự: “Tôi mê vai này quá, vì lần đầu tiên tôi diễn bi”. Lê Giang còn được ca vài câu cổ nhạc thật hay, đúng với xuất thân cải lương trước kia của chị. Đại Nghĩa cũng được ca cổ nhạc một chút, coi như “chuẩn bị” để sắp tới vào vai diễn ''nặng ký'' là Đinh Điền trong vở cải lương Dương Vân Nga.
|
Vai nữ trẻ đẹp là Thanh Hiền và Bích Trâm, lên sân khấu sáng trưng. Thanh Hiền từng là vợ của ông bầu trẻ Gia Bảo, có một thời gian ít xuất hiện, nhưng nay cô trở lại với sự tiến bộ đến bất ngờ. Đóng vai cô con dâu hơi vô tâm đối với cha chồng, và hơi lấn lướt chồng, Thanh Hiền diễn thật tự nhiên, khán giả rất hài lòng. Nhất là những đoạn cô và diễn viên trẻ Tấn Phát mâu thuẫn, dẫn tới ly dị, hai người thật ăn ý. Cái khó ở đây là làm sao không diễn quá cương, quá gào thét, cố tình đẩy cao trào quá sức sẽ trở nên giả. Nét diễn của Thanh Hiền và Tấn Phát chừng mực, chân thật, đúng với tổng thể mà đạo diễn Quốc Thảo mong muốn.
Còn Bích Trâm là “nữ quái” từng đóng hài thật duyên dáng ở nhiều sân khấu khác, cộng với ngoại hình xinh xắn, giúp sân khấu tươi trẻ hẳn lên. Khương Hưng vào vai chàng rể hơi keo kiệt với mẹ vợ, không ngờ chỉ mới là học viên của lớp đào tạo do Quốc Thảo mở tại nơi này. Anh chàng nói giọng Bắc, cứ tru tréo khi mẹ vợ Lê Giang gọi điện thoại, vì anh sợ tốn tiền, đâm ra dễ thương vô cùng.
Vở kịch kết thúc, cả khán phòng còn nấn ná chưa về. Người ta đến bắt tay Quốc Thảo. Người ta tụm năm tụm ba nói với nhau về cảm xúc của mình, trong mắt hình như còn đọng lại giọt lệ chưa kịp lau khô. Người ta xuýt xoa, cảm phục. Sài Gòn thêm một sàn diễn tử tế, thêm một niềm vui, hạnh phúc…
Bình luận (0)